Đức đề xuất lập cầu hàng không phân bổ người Ukraine sơ tán trong EU

Hiện đã có trên 3 triệu người từ Ukraine sơ tán sang các nước EU, trong đó hơn 2 triệu người sang Ba Lan, 535.000 người sang Romania, 312.000 người sang Hungary và 250.000 người sang Slovakia.
Người tị nạn từ Ukraine xếp hàng bên ngoài một điểm cấp mã số định danh tại Warsaw, Ba Lan, ngày 20/3. (Ảnh: PAP/ TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong bối cảnh số người sơ tán từ Ukraine vào Liên minh châu Âu (EU) ngày càng tăng, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock kêu gọi các nước trong khu vực giúp giảm tải cho các nước có đường biên giới trực tiếp với Ukraine.

Bà Baerbock đề xuất lập một cầu hàng không để phân bổ tiếp nhận số người sơ tán trong EU.

Số liệu của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết hiện đã có trên 3 triệu người từ Ukraine sơ tán sang các nước EU, trong đó hơn 2 triệu người sang Ba Lan, 535.000 người sang Romania, 312.000 người sang Hungary và 250.000 người sang Slovakia.

[Ukraine: Gần 7.300 người đã được sơ tán trong ngày 20/3]

Ngoại trưởng Đức nêu rõ: "Chúng ta không chỉ cần hành lang tại thực địa (ở Ukraine), mà còn cần một cầu hàng không đoàn kết. Các nước phải tiếp nhận người sơ tán." 

Đức sẽ chủ trì một hội nghị các nhà bảo trợ vào đầu tháng tới nhằm hỗ trợ Moldova - quốc gia không phải là thành viên của EU - ứng phó với làn sóng người sơ tán từ Ukraine.

Ngoại trưởng Romania Bogdan Aurescu cho biết nước này cùng với Đức và Pháp ủng hộ tổ chức hội nghị điều phối viện trợ cho Moldova vào ngày 5/4 tới tại Berlin.

Trước mắt, khoảng 13.000 người sơ tán hiện ở Moldova sẽ được chuyển đến các nước EU như Đức, Pháp, Litva và Tây Ban Nha.

Ngoại trưởng Romania cho biết thêm một "hành lang xanh" đã được thiết lập để giải tỏa sức ép cho Moldova, theo đó người sơ tán có thể vào lãnh thổ Romania từ biên giới Ukraine-Moldova. Trong khi đó, hiện ở Đức đã có gần 220.000 người đăng ký tị nạn chiến tranh.

Theo người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Hebestreit, việc cung cấp nơi ăn ở cho những người sơ tán đang là vấn đề thách thức đối với EU.

Mặc dù các nước EU đều bày tỏ sẵn sàng tiếp nhận người Ukraine sơ tán, còn nhiều vấn đề liên quan đến việc triển khai cụ thể, chẳng hạn mỗi nước sẽ tiếp nhận bao nhiêu người.

Trong cuộc khủng hoảng người di cư năm 2015-2016, Ba Lan và Hungary không chấp nhận hạn ngạch tiếp nhận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục