Đức đề xuất “Kế hoạch Marshall” với Ngân hàng Phát triển châu Phi

Đức đã đề xuất với AfDB một “Kế hoạch Marshall” - chiến lược mới về phát triển quan hệ giữa Đức và các quốc gia châu Phi - để giải quyết nhiều thách thức mà châu Phi đang phải đối phó.
Đức đề xuất “Kế hoạch Marshall” với Ngân hàng Phát triển châu Phi ảnh 1Ngân hàng Phát triển châu Phi-AfDB. (Nguồn: Reuters)

Đức đã đề xuất với Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) một “Kế hoạch Marshall” - chiến lược mới về phát triển quan hệ giữa Đức và các quốc gia châu Phi - để giải quyết nhiều thách thức mà châu Phi đang phải đối phó.

Trong một thông cáo công bố ngày 5/3, AfDB cho biết đó là một kế hoạch phát triển hướng tới phát triển doanh nghiệp, khu vực tư nhân, năng lượng tái tạo và tăng trưởng xanh.

Về phần mình, Bộ trưởng Hợp tác và Phát triển kinh tế Đức Gerd Muller tuyên bố châu Phi sẽ tạo ra 20 triệu việc làm mỗi năm và tăng cường nhiều trường đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu việc làm khi dân số tăng lên nhanh chóng và sẽ đạt khoảng 2 tỷ người vào năm 2050.

Đồng thời, Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nước châu Phi phải tăng cường nỗ lực phối hợp với các đối tác và hệ thống đa phương thế giới.

Nằm trong khuôn khổ của Chương trình 2063 của Liên minh châu Phi (AU), kế hoạch này nhấn mạnh đến sự hợp tác trong một trật tự mới cùng thắng đối với châu Phi và các nước phương Tây trong các lĩnh vực giáo dục, thương mại, phát triển kinh tế và năng lượng.

Ông Gerd Muller cho biết thêm rằng kế hoạch này nhằm tăng cường sự hỗ trợ phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp tại các nước châu Phi giúp họ tăng thu nhập hơn, ví dụ về bông tại Burkina Faso, cacao và càphê tại Cote d'Ivoire.

Ông Gerd Muller cũng kêu gọi có sự tiếp cận bình đẳng hơn và cải thiện thị trường xuất khẩu châu Phi, xóa bỏ dòng tiền bất hợp pháp từ lục địa đen và ngăn chặn việc trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia.

Bộ trưởng Gerd Muller tuyên bố: "Nếu các bạn không đầu tư cho phát triển, nếu các bạn không san bằng khoảng cách giàu và nghèo, các bạn sẽ không có hòa bình," đồng thời cho biết nghèo đói là chất xúc tác của chủ nghĩa khủng bố và cực đoan.

Chính phủ các nước châu Phi cũng đóng một vai trò quan trọng trong phòng chống tham nhũng.

Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Đức sẽ tăng 20% viện trợ phát triển của Đức dành cho các nước châu Phi thực hiện cải cách cần thiết.

Mục tiêu là đưa ra những giải pháp rõ ràng hỗ trợ tạo một môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư tư nhân.

Đức tìm kiếm thiết lập các mối quan hệ đối tác cải cách với các nước châu Phi dựa trên những giá trị minh bạch chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục