Đức đề xuất hợp tác EU-Bắc Phi để ngăn chặn làn sóng di cư

Bộ trưởng Nội vụ Đức bày tỏ làn sóng người di cư đã chạm "đỉnh," song cần có thỏa thuận giữa EU và các quốc gia Bắc Phi để ngăn chặn số lượng người nhập cư lớn.
Đức đề xuất hợp tác EU-Bắc Phi để ngăn chặn làn sóng di cư ảnh 1Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere bày tỏ tin tưởng rằng làn sóng người di cư đã chạm "đỉnh," song cần có một thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia khu vực Bắc Phi để ngăn chặn số lượng người nhập cư lớn đổ vào châu lục này trong tương lai.

Đức, nước đã tiếp nhận hơn 1 triệu người tị nạn và nhập cư trong năm ngoái, cho biết số lượng người di cư đã giảm mạnh xuống mức trung bình 140 người/ngày tại khu vực biên giới giáp với Áo, sau khi các nước Balkan tuyên bố đóng lại tuyến đường trung chuyển người di cư qua các nước này.

Bộ trưởng Nội vụ Đức nói thêm rằng bên cạnh việc thực thi thỏa thuận đạt được với Thổ Nhĩ Kỳ, EU cần tìm thêm các phương án dự phòng tương tự nếu làn sóng người di cư chuyển hướng sang các tuyến đường vào châu Âu khác thông qua Libya và Italy.

Ông Thomas de Maiziere đề xuất đàm phán với các quốc gia Bắc Phi về tiếp nhận người tị nạn từ Italy để đổi lại các chương trình cứu trợ nhân đạo.

Nhận định trên của ông Thomas de Maiziere được đưa ra chỉ một ngày trước khi Thoả thuận hành động chung giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU về khủng hoảng người di cư có hiệu lực (4/4).

Theo đó, các trường hợp người tị nạn tới Hy Lạp từ 20/3 vừa qua sẽ bị trục xuất trở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Trái lại, các nước EU cũng sẽ phải tiếp nhận lại số trường hợp tương ứng người Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ. Dự kiến, cơ chế trục xuất/tiếp nhận trở lại này bắt đầu tiến hành từ 4/4 và theo đó, châu Âu có thể tiếp nhận tối đa 72.000 người.

Theo kế hoạch, từ 4-6/4 tới, sẽ có khoảng 750 người tị nạn đầu tiên từ đảo Lesbos của Hy Lạp được đưa trở lại Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi một số nước như Đức, Pháp, Hà Lan, Phần Lan và Bồ Đào Nha sẽ là những nước EU đầu tiên tiếp nhận người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong đợt triển khai đầu tiên này, các nước châu Âu nêu trên sẽ tiếp nhận mỗi nước khoảng 1.600 người, sau đó, Đức sẵn sàng tiếp nhận thêm 13.500 trường hợp nữa. Hiện chưa rõ số lượng người tị nạn sẽ được tiếp nhận ở các nước châu Âu khác.

Bộ Nội vụ Đức cho biết nước này ưu tiên tiếp nhận các trường hợp gia đình có con nhỏ và trong ngày 4/4 sẽ có khoảng 40 người tới Đức. Các trường hợp này sẽ được đưa bằng đường hàng không tới thẳng sân bay Hannover và tiếp tục được đưa tới trại tiếp nhận Friedland thuộc bang Niedersachsen. Từ đây, người tị nạn sẽ được phân bổ tới các bang của Đức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục