Đức đảm bảo Ukraine tiếp tục trung chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu

Nhà lãnh đạo Đức cũng nhấn mạnh rằng đối với Berlin, việc trung chuyển khí đốt qua Ukraine là cấu thành trong tổng thể nguồn khí đốt nhập khẩu của Đức.
Đức đảm bảo Ukraine tiếp tục trung chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu ảnh 1Tàu lắp đặt đường ống dẫn khí của dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại cảng Mukran Sassnitz trên Biển Baltic, Đông Bắc Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đức sẽ đảm bảo an ninh năng lượng cũng như duy trì Ukraine là điểm trung chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu.

Tuyên bố được Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra trước cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 12/7 tại Berlin.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu họp báo bên cạnh Tổng thống Zelensky, Thủ tướng Đức Merkel nhấn mạnh Ukraine sẽ vẫn là điểm trung chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu ngay cả khi dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đưa khí đốt trực tiếp từ Nga qua Biển Baltic tới Đức hoàn tất.

Bà nhấn mạnh Đức ý thức được những lo ngại của Ukraine trong vấn đề này và Berlin cam kết đảm bảo để Kiev tiếp tục là nhà trung chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu như hiện nay, thậm chí điều này sẽ được duy trì với mọi thủ tướng tiếp theo của Đức.

Nhà lãnh đạo Đức cũng nhấn mạnh rằng đối với Berlin, việc trung chuyển khí đốt qua Ukraine là cấu thành trong tổng thể nguồn khí đốt nhập khẩu của Đức.

[Ngoại trưởng Nga khẳng định thiện chí giải quyết bất đồng với Đức]

Bà cũng nhấn mạnh cả Đức và Pháp đều chung quan điểm rằng Ukraine cần tiếp tục là điểm trung chuyển năng lượng của châu Âu sau khi hiệp định trung chuyển khí đốt hiện nay giữa Nga và Ukraine hết hiệu lực vào cuối năm 2024.

Liên quan bất đồng với Mỹ về dự án trên, Thủ tướng Merkel cho rằng chuyến thăm Mỹ của bà vào ngày 15/7 tới sẽ là cơ hội quan trọng để hai bên tìm được tiếng nói chung đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2, song bà cũng bày tỏ hoài nghi về khả năng sớm đạt được giải pháp giữa Đức và Mỹ tại cuộc gặp ở Nhà Trắng tới đây.

Trong cuộc họp báo, Thủ tướng Merkel cũng bày tỏ lấy làm tiếc khi tiến trình hoà bình cho Ukraine trong khuôn khổ thoả thuận Minsk chưa đạt được nhiều tiến bộ. Nhân dịp này, bà cũng cam kết hỗ trợ Ukraine 1,5 triệu liều vaccine phòng dịch COVID-19.

Về phần mình, Tổng thống Zelensky ủng hộ một giải pháp cho những tranh cãi liên quan tới dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 thông qua nhóm định dạng Normandy gồm Ukraine, Nga, Pháp và Đức.

Ông nhấn mạnh dự án đưa khí đốt từ Nga qua biển Baltic tới Đức là "mối đe doạ lớn" đối với an ninh của Ukraine, đồng thời kêu gọi đảm bảo nguồn cung năng lượng cho Ukraine trong tương lai.

Tổng thống Ukraine cũng cho rằng Mỹ cũng có thể tham gia tìm kiếm giải pháp ở một định dạng khác, đồng thời cũng kêu gọi tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh nhóm Normandie để thảo luận về tiến trình hoà bình cho Đông Ukraine.

Trong vài năm qua, dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 phải đối mặt với nhiều chỉ trích, kể cả từ một số nước châu Âu và từ Mỹ. Washington lo ngại dự án này khiến châu Âu ngày càng phụ thuộc vào khí đốt của Nga và gây tổn hại về kinh tế đối với những quốc gia trung chuyển truyền thống, trước hết là Ukraine.

Về cuộc xung đột ở Đông Ukraine, tình hình ở khu vực này trong vài tháng qua đã trở nên căng thẳng trở lại khi quân chính phủ Ukraine và lực lượng đòi độc lập gia tăng các cuộc đụng độ bất chấp một lệnh ngừng bắn đang có hiệu lực.

Kể từ khi xung đột bùng phát năm 2014 đến nay đã có 13.000 thiệt mạng ở Đông Ukraine. Đại diện các nước EU ngày 12/7 đã nhất trí gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng, theo đó các biện pháp hạn chế về thương mại và đầu tư đối với Moskva sẽ có hiệu lực tới ngày 31/1/2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục