Đức đã chủng ngừa vắcxin cho 80% người cao tuổi ở viện dưỡng lão

Bộ trưởng Y tế Đức bày tỏ hy vọng sẽ chủng ngừa vắcxin cho tất cả người dân trong nhóm ưu tiên vào cuối quý 1/2021, đồng thời cho biết Đức sẽ tiếp tục ký thêm hợp đồng với các nhà phát triển vắcxin.
Đức đã chủng ngừa vắcxin cho 80% người cao tuổi ở viện dưỡng lão ảnh 1Tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cho người cao tuổi tại viện dưỡng lão ở Froendenberg, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 5/2, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn thông báo gần 80% người cao tuổi tại các viện dưỡng lão đã được tiêm ít nhất một mũi vắcxin phòng bệnh COVID-19.

Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Spahn bày tỏ hy vọng sẽ chủng ngừa vắcxin cho tất cả người dân trong nhóm ưu tiên vào cuối quý 1/2021, đồng thời cho biết Đức sẽ tiếp tục ký thêm hợp đồng với các nhà phát triển vắcxin nhằm thúc đẩy chương trình tiêm chủng.

Cũng theo ông, Liên minh châu Âu (EU) đã xác nhận đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng về việc mua vắcxin của hãng Novavax (Mỹ).

[Đức cảnh báo hành động pháp lý với việc chậm giao vắcxin COVID-19]

Cùng ngày, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Lothar Wieler thuộc Viện dịch tễ Robert Koch cho biết biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 ở Anh chỉ chiếm chưa đầy 6% số ca mắc ở Đức. Tuy nhiên, ông cảnh báo biến thể này sẽ tiếp tục lan rộng và tình hình vẫn chưa được kiểm soát.

Liên quan đến vấn đề vắcxin, công ty khoa học và công nghệ của Đức Merck thông báo sẽ tăng cường cung cấp lipid (chất béo) cho công ty công nghệ sinh học nước này BioNTech nhằm giảm bớt sự thiếu hụt một số thành phần quan trọng trong việc sản xuất vắcxin ngừa COVID-19.

Giám đốc điều hành Merck Stefan Oschmann cho biết sẽ cung cấp hàng trăm kg lipid, song không cho biết có lượng lipid này đủ để sản xuất bao nhiêu liều vắcxin.

Các hạt nano lipid là lớp vỏ phân tử béo bao bọc và giúp các sợi mRNA - chất truyền tin di truyền mã ADN thành protein - trốn tránh những "người gác cổng sinh học" của cơ thể và đến được các tế bào mục tiêu mà không bị phân hủy.

Tuy nhiên, nguồn cung ứng chất này đã trở nên thiếu hụt trong bối cảnh hãng dược BioNTech hợp tác với hãng dược Pfizer (Mỹ) và đối thủ là hãng dược Moderna (Mỹ) đang nỗ lực gia tăng sản lượng vắcxin để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn.

Cùng ngày, ông Domenico Arcuri, quan chức phụ trách đặc biệt vấn đề khẩn cấp dịch COVID-19 của Chính phủ Italy thông báo 7 triệu dân nước này có thể được chủng ngừa vắcxin đầy đủ vào cuối tháng 3 tới nếu nguồn cung ứng vắcxin được đảm bảo.

Trao đổi với báo giới, ông Arcuri cho biết 249.600 liều vắcxin đầu tiên của hãng AstraZeneca sẽ đến Italy vào ngày 6/2 tới và sẽ được chủng ngừa cho người dân từ tuần tới.

Song song với đó, nước này cũng tiến hành chủng ngừa vắcxin của BioNTech/Pfizer và Moderna cho những người ngoài 80 tuổi và có nguy cơ cao như các nhân viên y tế.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 5/2 cho biết hãng dược phẩm Sinopharm của Trung Quốc sẽ cung cấp cho nước này số liều vắcxin đủ để chủng ngừa cho 250.000 người/tháng trong giai đoạn từ tháng 2-4.

Trước đó, Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary Gergely Gulyas cũng cho biết vào tháng 5 tới, Sinopharm sẽ bàn giao số liều vắcxin đủ để chủng ngừa cho 1,75 triệu người ở Hungary.

Tháng 1 vừa qua, Hungary thông báo đã đạt thỏa thuận mua vắcxin với Sinopharm, trở thành quốc gia đầu tiên trong EU mua vắcxin do Trung Quốc sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục