Ngày 29/3, Đức đã công bố dự thảo cải cách về nhập cư, đào tạo lao động có tay nghề và thúc đẩy nhập cư từ các nước ngoài EU, đặc biệt với khu vực Tây Balkan.
Đây là nỗ lực của Chính phủ Thủ tướng Olaf Scholz nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu hiện nay.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Bộ trưởng Lao động Hubertus Heil, trong tuyên bố sau khi công bố dự thảo trên, cho biết: “Đảm bảo cơ sở lao động lành nghề là một trong những nhiệm vụ kinh tế lớn nhất của Đức trong những thập kỷ tới.”
[Gần 50% các công ty của Đức thiếu lao động có tay nghề]
Theo người đứng đầu Bộ Lao động, với số việc làm tuyển dụng trong năm 2022 cao kỷ lục - gần 2 triệu người, một trong những cải cách là luật nhập cư mới nhằm giải quyết những rào cản lớn đối với người di cư đến Đức, đặc biệt là đối với những người đến từ các nước bên ngoài Liên minh châu Âu (EU).
Trên trang Twitter cá nhân sau khi nội các thông qua các cải cách lao động, Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner viết: “Với dự thảo này, chúng tôi đang đặt nền móng cho một khởi đầu mới trong chính sách di cư.”
Ông Lindner khẳng định: “Bất cứ ai có thể đóng góp vào thành công kinh tế của đất nước với tư cách là một công nhân lành nghề đều được chào đón.”
Theo dự thảo luật được Reuters đăng tải, cải cách trên có thể làm tăng số lượng công nhân từ các quốc gia bên ngoài EU thêm 60.000 người mỗi năm.
Về phần mình, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser bày tỏ: “Nếu mọi người mang theo kinh nghiệm chuyên môn hoặc tiềm lực cá nhân, chúng tôi sẽ giúp họ có được chỗ đứng trong thị trường lao động của chúng tôi.”
Ngoài dự thảo cải cách về nhập cư, nội các Đức cũng thông qua luật giáo dục cho phép những người trẻ tuổi đang đào tạo cũng được trả lương.
Cơ quan Lao động Liên bang của Đức sẽ trả tới 67% lương ròng trong suốt thời gian đào tạo.
Dự thảo luật, sẽ được trình lên cơ quan lập pháp trong những tháng tới, còn cho phép người nước ngoài đăng ký quốc tịch sau 5 năm cư trú tại Đức thay vì 8 năm như hiện tại.
Những người có nỗ lực đặc biệt để hòa nhập xã hội, chẳng hạn như thông thạo tiếng Đức, sẽ đủ điều kiện nộp đơn sau 3 năm.
Bên cạnh đó, dự thảo sẽ dỡ bỏ lệnh cấm mang hai quốc tịch đối với những người đến từ các quốc gia không thuộc Liên minh châu Âu (EU), nghĩa là những người nhập cư sẽ không còn phải từ bỏ quốc tịch gốc của họ - điều kiện vốn là một lằn ranh đỏ đối với nhiều người.
Hiện nay, chỉ có những người có hộ chiếu EU hoặc có cha/mẹ là người Đức mới được cấp quốc tịch Đức.
Chính phủ liên minh của Đức muốn thu hút 400.000 lao động nước ngoài có tay nghề cao mỗi năm để tái cân bằng cơ cấu dân số vốn đang già đi và giải quyết tình trạng thiếu lao động trong các lĩnh vực kinh tế quan trọng./.