Đức có kế hoạch buộc nhà sản xuất nhựa dùng một lần trả phí dọn dẹp

Đức có kế hoạch đưa ra một số điều kiện buộc các nhà sản xuất thuốc lá, cốc dùng một lần và một số sản phẩm dùng một lần khác phải đóng góp tài chính cho việc dọn dẹp và làm sạch đường phố.
(Nguồn: sonnenseite.com)

Ngày 12/8, Bộ Môi trường Đức và Hiệp hội doanh nghiệp địa phương của Đức (VKU) tuyên bố chính quyền các thành phố tại Đức cần được giảm gánh nặng chi phí trong việc dọn dẹp đường phố, thay vào đó các doanh nghiệp sản xuất nhựa dùng một lần phải chịu các khoản phí này.

Trong tuyên bố chung với sự hiện diện của Giám đốc VKU Michael Ebling, Bộ trưởng Môi trường Đức Svenja Schulze cho rằng xu hướng sử dụng các vật dụng dùng một lần đang gây ra tình trạng "lụt" rác thải tại một số thành phố, đặc biệt là tại các khu công viên và đường phố đông đúng.

Điều này khiến các thành phố Đức gặp khó khăn trong việc giữ vệ sinh đường phố và các khu công cộng trong khi người dân phải gánh chịu khoản phí cho hoạt động này.

Bộ trưởng Schulze chỉ rõ dựa theo văn bản chỉ dẫn về xử lý nhựa dùng một lần, vốn được các thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua hồi tháng Năm vừa qua, Bộ Môi trường Đức có kế hoạch đưa ra một số điều kiện buộc các nhà sản xuất thuốc lá, cốc dùng một lần và một số sản phẩm dùng một lần khác phải đóng góp tài chính cho việc dọn dẹp và làm sạch đường phố.

[Những hình ảnh nhức nhối bài toán xử lý chất thải nhựa]

Trong khi đó, VKU cho biết hiệp hội này muốn xác định tỷ lệ các đồ nhựa dùng một lần trong các sọt rác công cộng và đường phố, qua đó thiết lập nền tảng dữ liệu cho chi phí tương xứng đối với việc xử lý một số sản phẩm nhựa trong các dịch vụ công.

Ông Ebling khẳng định các nhà sản xuất nhựa sớm phải đóng góp tài chính cho hậu quả về môi trường từ mô hình kinh doanh các sản phẩm dùng một lần của những hãng này.

Trước đó, bà Schulze cho hay muốn đưa ra một lệnh cấm sử dụng túi nhựa tại Đức. Theo Bộ trưởng Môi trường Đức, lượng sử dụng túi nhựa tại nước này đã giảm đáng kể từ năm 2016. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nông nghiệp Julia Kloeckner đã phản đối ý kiến này, cho rằng chỉ những lệnh cấm như vậy mà không có lựa chọn thay thể là chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục