Đức chính thức luật hóa quy định mức lương tối thiểu

Ngày 3/7, Quốc hội Đức đã thông qua dự luật lương tối thiểu và trở thành quốc gia thứ 21 trong 28 nước EU luật hóa quy định lương tối thiểu cho người lao động.
Một công nhân giặt là ở Đức. (Nguồn: AP)

Quốc hội Đức ngày 3/7 đã thông qua dự luật lương tối thiểu, áp dụng cho mọi ngành nghề trên cả nước từ năm 2015 với một số ngoại lệ nhất định.

Như vậy, Đức trở thành quốc gia thứ 21 trong 28 nước Liên minh châu Âu (EU) luật hóa quy định lương tối thiểu cho người lao động.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, dự luật trên được thông qua với 535 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 61 phiếu trắng, theo đó bắt đầu từ năm tới, khoảng 3,7 triệu lao động trên toàn Liên bang Đức sẽ được hưởng mức lương tối thiểu 8,5 euro/giờ (11 USD/giờ), cao hơn so với mức hiện nay.

Về cơ bản, mức lương trên sẽ bắt đầu được áp dụng từ đầu năm 2015, trừ một số trường hợp ngoại lệ chưa phải thực hiện theo lộ trình, song không được muộn hơn thời điểm cuối năm 2016. Sau thời điểm này, mức lương tối thiểu sẽ được áp dụng bắt buộc đối với tất cả các ngành nghề và không có ngoại lệ.

Luật mới sẽ không áp dụng cho các lao động dưới 18 tuổi và những người làm thêm, ngoài ra người thất nghiệp dài hạn khi có việc làm cũng chưa được áp dụng luật này trong vòng 6 tháng đầu tiên. Những người giao báo và công nhân làm việc theo mùa cũng không được hưởng mức lương tối thiểu nói trên cho tới năm 2017. Bên cạnh đó, luật cũng chưa được áp dụng với những ngành nghề trong đó đại diện tập thể lao động và người sử dụng lao động đã thống nhất mức lương tối thiểu dưới 8,5 euro/giờ.

Ý tưởng về việc áp đặt mức lương tối thiểu đã gặp phải những phản ứng trái chiều ngay từ khi mới đưa ra thảo luận, đặc biệt luật mới đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của giới chủ vì cho rằng nó có thể gây ra những rủi ro đối với tình trạng việc làm ở Đức. Áp đặt mức lương tối thiểu là sáng kiến của đảng Dân chủ-Xã hội (SPD), vốn được coi là một trong những điều kiện để SPD tham gia liên minh cầm quyền cùng với liên đảng bảo thủ CDU/CSU vào cuối năm ngoái.

Chủ tịch SPD Sigmar Gabriel đã hoan nghênh việc Quốc hội thông qua dự luật trên. Ông cho rằng đây là một "ngày lịch sử" với nước Đức và là "hòn đá tảng" trong chính sách lao động và xã hội của nền kinh tế lớn nhất Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục