Bộ Tài chính Đức ngày 15/4 cho biết nước này đã chi gần 3 tỷ euro (3,2 tỷ USD) để thuê các trạm nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nổi ở ngoài khơi, nhằm giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Trên trang Twitter cá nhân, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho rằng: "Sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga phải được cắt giảm một cách nhanh chóng và bền vững,” và các trạm LNG nổi sẽ có đóng góp quan trọng cho việc này. Bộ Tài chính Đức cho biết đã dành ra tổng cộng 2,94 tỷ euro đề thuê các công ty vận chuyển LNG lớn này.
Châu Âu, đặc biệt là Đức, đang phải dựa vào LNG để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga. Ba nước cung cấp LNG lớn nhất là Australia, Qatar và Mỹ. Được hóa lỏng để chiếm ít thể tích hơn, LNG sẽ được chuyển trở lại về dạng khí khi đến nơi phân phối.
Các trạm nổi, hay còn gọi là kho nổi chứa và tái hóa khí (FSRU – Floating Storage Regasification Unit), sẽ chuyển LNG được vận chuyển bằng các tàu chở dầu thành khí đốt và đưa chúng vào mạng lưới đường ống dẫn.
Trong những năm gần đây, Đức đã nhập khẩu trung bình 55% lượng khí đốt cần thiết từ Nga thông qua các đường ống trên đất liền. Tỷ trọng này đã được giảm xuống còn 40% vào cuối quý I năm nay, khi Đức tăng cường nhập khẩu từ Hà Lan, Na Uy.
[Đức kêu gọi dân tiết kiệm năng lượng nhằm giảm sự phụ thuộc vào Nga]
Khác với nhiều nước châu Âu khác, Đức không có trạm chứa và tái hóa khí nào trên đất liền để xử lý khí hóa lỏng nhập khẩu. Hiện tại, Đức vẫn phải dựa vào các trạm ở các nước châu Âu khác và điều này đang hạn chế khả năng nhập khẩu của nước này.
Theo truyền thông Đức, chính phủ nước này đang xem xét hợp tác với các đối tác tư nhân để thuê ba đến bốn tàu đặt ở các cảng ở vùng Biển Bắc hoặc Biển Baltic để phục vụ mục đích này. Một số cơ sở vật chất trong số này có thể đi vào vận hành vào mùa đông tới.
Chính phủ Đức cho rằng nước này không thể chấm dứt hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt từ Nga trước giữa năm 2024./