Đức chi gần 4 tỷ euro cho kế hoạch mua vaccine COVID-19 năm 2022

Theo một văn bản của Bộ Y tế Đức, trong kế hoạch gia tăng lượng vaccine này, gần 85 triệu liều vaccine loại mRNA của BionTech/Pfizer đã được ký hợp đồng mua thông qua chương trình mua vaccine của EU.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân ở Cologne (Đức) ngày 27/12/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Đức dự định sẽ chi 3,9 tỷ euro (khoảng 4,62 tỷ USD) để mua 204 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong năm tới nhằm tránh tình trạng đình trệ trong hoạt động sản xuất vaccine và có lượng vaccine dự phòng lớn để ứng phó với bất kỳ biến thể mới nào của virus SAR-CoV-2.

Theo một văn bản của Bộ Y tế Đức, trong kế hoạch gia tăng lượng vaccine này, gần 85 triệu liều vaccine loại mRNA của BionTech/Pfizer đã được ký hợp đồng mua thông qua chương trình mua vaccine của Liên minh châu Âu (EU)

Văn bản trên cho biết Đức sẽ mua thêm ít nhất một vaccine loại mRNA nữa, cũng như các vaccine sử dụng các công nghệ khác, nhằm góp phần tránh tình trạng đình trệ trong hoạt động sản xuất vaccine.

[Dịch COVID-19: Đức sẵn sàng ứng phó với làn sóng lây nhiễm mới]

Viện Robert Koch, cơ quan y tế công của Đức, đã khuyến nghị nên có sẵn đủ vaccine loại mRNA để đáp ứng nhu cầu trong nước, nhưng cũng có thể mua vaccine sử dụng các công nghệ thay thế để đề phòng những vấn đề bất ngờ xảy ra với công nghệ vaccine mới nhất này.

Bên cạnh vaccine BionTech/Pfizer, Đức sẽ mua thêm 31,8 triệu liều vaccine loại mRNA nữa của Moderna, 18,3 triệu liều vaccine được sản xuất bằng công nghệ vector virus của hãng Johnson & Johnson, và tổng cộng 70 triệu liều vaccine từ Sanofi, Novavax và Valneva.

Vaccine của hãng AstraZeneca và Curevac không được đề cập đến trong văn bản trên. Vaccine AstraZeneca gặp khó khăn trong việc vận chuyển đến EU, trong khi vaccine Curevac lại có kết quả thử nghiệm gây thất vọng.

Hãng Curevac của Đức tối 30/6 đã thông báo kết quả thử nghiệm cuối cùng về hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 do hãng sản xuất.

Theo đó, vaccine Curevac chỉ có hiệu quả 48% ở mọi lứa tuổi, kết quả thấp hơn nhiều so với các vaccine cùng công nghệ mRNA của BioNTech và Moderna./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục