Đức: CDU/CSU đạt nhất trí giải quyết khủng hoảng tị nạn

Đức: CDU/CSU đạt nhất trí giải quyết khủng hoảng người tị nạn

Chiều 1/11, liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) đã đạt được nhất trí về một loạt biện pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Đức hiện nay.
Người di cư di chuyển tới trại tị nạn ở Rigonce, gần biên giới với Croatia ngày 26/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sau cuộc gặp không đạt kết quả sáng 1/11 giữa lãnh đạo ba đảng trong liên minh cầm quyền ở Đức, chiều cùng ngày, liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) đã đạt được nhất trí về một loạt biện pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Đức hiện nay.

Tại cuộc họp giữa lãnh đạo ba đảng CDU/CSU và Dân chủ Xã hội (SPD) tại Phủ thủ tướng, các bên đã nhất trí được một số nội dung, song vẫn còn một số điểm bất đồng, như việc có thiết lập các khu trung chuyển ở biên giới cho người tị nạn hay không.

Sau khi Chủ tịch SPD Sigmar Gabriel rời Phủ Thủ tướng, người đứng đầu nội các, Chủ tịch CDU Angela Merkel và Chủ tịch CSU Horst Seehofer đã tiếp tục thảo luận và đạt được thống nhất về một loạt biện pháp giải quyết khủng hoảng, trong đó có việc thiết lập các khu trung chuyển người tị nạn ở biên giới.

Văn kiện đạt được giữa CDU, CSU nhấn mạnh rằng hai đảng bảo thủ cùng quyết tâm thực hiện trách nhiệm hỗ trợ những người có hoàn cảnh hoạn nạn, sắp xếp và kiểm soát việc di cư cũng như đảm bảo sự hội nhập.

Kế hoạch thiết lập các khu trung chuyển vốn được CSU đề xuất và bị SPD kịch liệt phản đối, xem đây như những nhà tù "giam giữ người tị nạn."

Theo kế hoạch của CDU/CSU, các điểm trung chuyển này sẽ chủ yếu dành cho những người tị nạn tới Đức từ "những quốc gia an toàn," bị cấm tái nhập cảnh và chờ được đưa về nước.

Trong số các điểm đã được CDU/CSU nhất trí, liên đảng bảo thủ tạm hoãn việc đoàn tụ gia đình trong 2 năm với những trường hợp người nhập cư được ở lại Đức không theo Công ước Tị nạn Liên hợp quốc hay Luật tị nạn của Đức (không được cấp quy chế tị nạn).

Hai đảng cũng nhất trí đề nghị Áo cùng thiết lập các Trung tâm cảnh sát chung ở biên giới hai nước cũng như thực hiện tuần tra chung.

Ngoài ra, CDU/CSU cũng nhất trí áp dụng một thẻ căn cước thống nhất, giúp quản lý tốt hơn việc cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết hay các chế độ phúc lợi cho người tị nạn; thúc đẩy ký kết hiệp định nhận trở lại công dân giữa Liên minh châu Âu (EU) với Afghanistan và Bangladesh; đẩy mạnh việc bảo vệ biên giới ngoài EU để ngăn chặn việc buôn người và di cư bất hợp pháp; xúc tiến hội nghị thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về vấn đề người tị nạn, đổi lại mở rộng cánh cửa gia nhập EU cho Ancara; tiếp tục giữ binh s​ỹ tại Afghanistan sau năm 2016 giúp giới chức nước này chống Taliban, nhờ đó hạn chế việc phải chạy lánh nạn của người dân nước này.

Việc CDU và CSU bất ngờ đạt được sự đồng thuận nêu trên được xem là bước đột phá, bởi trong vài tháng qua, mối quan hệ giữa hai đảng kết nghĩa này khá căng thẳng liên quan tới chính sách giải quyết khủng hoảng người tị nạn.

Đây được xem là sự nhượng bộ của CDU khi trước đó, CSU doạ sẽ kiện chính phủ, thậm chí rút 3 bộ trưởng của đảng này khỏi chính phủ liên bang nếu bà Merkel không có biện pháp hạn chế người tị nạn vào Đức. Dự kiến, liên đảng bảo thủ còn phải thuyết phục SPD về những điểm đồng thuận vừa đạt được./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục