Chính phủ Đức đang cân nhắc các biện pháp nhằm siết chặt quản lý các dự án đầu tư nước ngoài trong bối cảnh ngày càng nhiều thương vụ thâu tóm hoặc sáp nhập các công ty công nghệ cao của nước này có sự tham gia của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Một nguồn tin của Bộ Kinh tế Đức ngày 7/8 cho hay Chính phủ Đức sẽ đặc biệt quan tâm tới hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài không phải từ Liên minh châu Âu (EU) có ý định mua lại ít nhất 15% cổ phần của các công ty công nghệ liên quan đến an ninh hoặc quốc phòng tại Đức.
[Lý do Âu-Mỹ bất mãn với chiến lược “Sản xuất ở Trung Quốc 2025”]
Các thương vụ thâu tóm trong các lĩnh vực nhạy cảm như điện toán đám mây, nguồn cung cấp nước sạch, hệ thống xử lý rác thải, hệ thống cung ứng tiền mặt, hệ thống thông tin bệnh viện, hệ thống giao thông đường không và mạng lưới giao thông công cộng ...sẽ được quản lý nghiêm ngặt.
Hồi năm ngoái, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tiến hành loạt thương vụ thâu tóm đình đám nhằm vào các công ty tại Đức, buộc chính phủ nước này phải có biện pháp can thiệp.
Mới đây nhất, hồi tuần trước, Chính phủ Đức đã lần đầu tiên cân nhắc chặn thương vụ tập đoàn Trung Quốc Yantai Taihai mua lại công ty sản xuất máy móc công cụ Leifeld của Đức do lo ngại thương vụ này gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Leifeld -một trong những nhà sản xuất kim loại chịu lực hàng đầu cho ngành công nghiệp ôtô, vũ trụ và hạt nhân tại Đức- cho biết Yantai Taihai đã rút lại lời đề nghị chào mua trước khi Chính phủ Đức có động thái trên.
Trước đó, Ngân hàng Tái thiết Đức đã phải bỏ tiền để mua lại 20% cổ phần của công ty vận hành mạng lưới điện thủ đô Berlin 50Hertz nhằm ngăn chặn một công ty điện lực của Trung Quốc có ý định thâu tóm cổ phần.
Tờ Die Welt dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho hay nước này đang xem xét siết chặt quản lý các dự án thâu tóm cổ phần của các công ty nước ngoài bằng cách hạ tỷ lệ cổ phần mua lại từ các công ty Đức xuống dưới 25%.
Không chỉ Đức, một số quốc gia khác như Mỹ, Pháp, Australia và Anh cũng đang quan ngại về việc Trung Quốc và một số đối thủ đang tìm cách tiếp cận các công nghệ chủ chốt thông qua thương vụ thâu tóm hoặc sáp nhập.
Trong bối cảnh này, Nghị viện châu Âu đưa đề xuất trao thêm quyền cho Ủy ban châu Âu rà soát các dự án đầu tư nước ngoài./.