Đức cảnh báo nguy cơ khủng hoảng về chăm sóc y tế do thiếu nhân viên

Theo Hiệp hội Bác sỹ Đa khoa Đức, gần 5.000 vị trí bác sỹ đang bị bỏ trống, trong khi tỷ lệ bác sỹ đa khoa trên 60 tuổi chiếm hơn 35% và con số này đang tiếp tục tăng lên.
Đức cảnh báo nguy cơ khủng hoảng về chăm sóc y tế do thiếu nhân viên ảnh 1Nhân viên y tế tham gia cuộc biểu tình tại Berlin (Đức), ngày 20/9/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 20/9, Hiệp hội Bác sỹ Đa khoa Đức cảnh báo nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu bác sỹ trầm trọng, dẫn đến nguy cơ không thể lấp đầy những khoảng trống về chăm sóc sức khỏe trong tương lai.

Theo Hiệp hội trên, gần 5.000 vị trí bác sỹ đang bị bỏ trống, trong khi tỷ lệ bác sỹ đa khoa trên 60 tuổi chiếm hơn 35% và con số này đang tiếp tục tăng lên.

Do đó, các cơ sở y tế Đức có thể buộc phải từ chối các trường hợp không khẩn cấp để tập trung công tác tiêm chủng và điều trị các ca mắc bệnh truyền nhiễm khi thời tiết vào mùa Thu.

Phó Chủ tịch Thứ nhất của Hiệp hội, Giáo sư-bác sỹ Nicola Buhlinger-Goepfarth cho biết tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhân sự trong ngành y đã lên tới đỉnh điểm và chỉ được bù đắp bằng việc lực lượng y bác sỹ phải liên tục tăng ca.

Tuy nhiên, nhiều cơ sở y tế không còn khả năng bù đắp cho sự thiếu hụt này khi các nhân viên y tế bị kiệt sức do làm việc dài ngày, nghỉ hưu ở tuổi 70 và có ít thời gian tiếp xúc với bệnh nhân vốn ngày càng nhiều. Điều này đã gây áp lực quá tải lên hệ thống chăm sóc sức khỏe.

[WHO: Nhiều nước chật vật đối phó với tình trạng thiếu nhân viên y tế]

Cũng trong ngày 20/9, Liên đoàn Bệnh viện Đức đã tổ chức cuộc biểu tình một ngày trên toàn quốc để phản đối việc đóng cửa bệnh viện cũng như tình trạng gián đoạn nguồn cung thuốc cho bệnh nhân.

Họ kêu gọi Chính phủ Đức có biện pháp hỗ trợ trong bối cảnh lạm phát cao cũng như cấp tài chính công bằng để giải quyết tình trạng khó khăn kinh tế mà các bệnh viện đang phải đối mặt. Hơn 50 cơ sở y tế đã nộp đơn xin phá sản trong nửa đầu năm nay.

Phát biểu trên kênh truyền hình ZDF, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cho biết nước này buộc phải đóng cửa một số bệnh viện, đặc biệt ở các thành phố lớn.

Ông giải thích kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều dịch vụ chăm sóc ngoại trú hơn đang được triển khai, trong khi số bệnh nhân nội trú ít đi và nhân lực mỏng khiến việc vận hành tất cả 1.719 bệnh viện trở nên bất khả thi.

Ông Lauterbach cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của kế hoạch cải tổ bệnh viện ở Đức, qua đó xác định các bệnh viện được ưu tiên nhận trước khoản tiền hỗ trợ để cung cấp các phương pháp điều trị nhất định.

Hồi tháng Bảy, khi giới thiệu về kế hoạch cải tổ bệnh viện, Bộ Y tế Đức nhấn mạnh "chính chất lượng chứ không phải số lượng sẽ quyết định việc cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế."./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục