Đức cam kết có nhiều biện pháp hỗ trợ hơn khi giá năng lượng tăng

Ngoài gói hỗ trợ tổng trị giá 30 tỷ euro (31 tỷ USD), Thủ tướng Đức Olaf Scholz cam kết sẽ “làm mọi thứ có thể để hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn”.
Đức cam kết có nhiều biện pháp hỗ trợ hơn khi giá năng lượng tăng ảnh 1Một trạm bơm xăng dầu, khí đốt tại Essen, Đức, ngày 8/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 11/8, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết người dân nước này sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ do lạm phát cao và giá năng lượng ngày càng tăng.

Ngoài gói hỗ trợ tổng trị giá 30 tỷ euro (31 tỷ USD), Thủ tướng Scholz cam kết sẽ “làm mọi thứ có thể để hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn”.

Thủ tướng Scholz nhấn mạnh gói tài chính trên hướng đến tất cả các nhóm dân cư, không ai bị bỏ lại và phải đối mặt với những vấn đề nan giải và không ai phải gánh vác những thách thức liên quan đến giá cả tăng một mình.

[Nắng nóng tạo thêm sức ép tăng giá năng lượng tại châu Âu]

Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis), lạm phát ở Đức vẫn ở mức cao 7,5% trong tháng 7/2022. Trong tháng 5/2022, lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu lên tới 7,9%, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ đầu tiên vào năm 1973.

Ông Georg Thiel, người đứng đầu Destatis, cho biết mặc dù các biện pháp của chính phủ có “hiệu ứng giảm dần” như giá vé phương tiện giao thông công cộng rẻ 9 euro và giá nhiên liệu giảm, “nguyên nhân chính của lạm phát cao vẫn là giá các sản phẩm năng lượng tăng”.

Destatis cho biết giá các sản phẩm năng lượng trong tháng 7/2022 đã tăng 35,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá dầu sưởi tăng hơn gấp đôi. Trong khi đó, giá khí đốt tự nhiên tăng 75,1%.

Để chuẩn bị cho mùa Đông sắp tới, Chính phủ Đức đã thực hiện các biện pháp lấp đầy các kho chứa khí đốt. Các nhà máy nhiệt điện than đã được cho phép hoạt động trở lại nhằm thay thế lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ trong sản xuất điện.

Đức là nước công nghiệp phát triển duy nhất loại bỏ dần than đá và năng lượng hạt nhân. Tất cả các nhà máy than sẽ được loại bỏ khỏi lưới điện vào năm 2030, và các nhà máy hạt nhân cuối cùng của đất nước vẫn được lên kế hoạch đóng cửa vĩnh viễn chậm nhất là vào cuối năm 2022.

Thủ tướng Scholz cho biết chính phủ đang thảo luận xem liệu có hợp lý và cần thiết để giữ ba nhà máy điện hạt nhân hiện tại hoạt động lâu hơn một chút hay không. Tuy nhiên, ông cho biết tiết kiệm năng lượng sẽ vẫn cần thiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục