Trong các cuộc đàm phán ở giai đoạn cuối nhằm thành lập chính phủ đại liên minh mới, ngày 30/1, Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel và đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) đã đạt thỏa thuận quan trọng về chính sách nhập cư.
Theo thỏa thuận trên, quy định tạm thời, được Chính phủ Đức áp dụng từ năm 2016 và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền đoàn tụ gia đình của người tị nạn, sẽ được dỡ bỏ vào ngày 31/7 tới. Sau đó, mỗi tháng sẽ có 1.000 thân nhân những người chưa được nhận quy chế tị nạn đầy đủ được phép đoàn tụ tại Đức.
Các nhà đàm phán của ba đảng cho biết chi tiết của thỏa thuận trên sẽ được công bố sau. Dự kiến, thỏa thuận mới này sẽ được bỏ phiếu tại Quốc hội vào ngày 1/2 tới.
Phát biểu với báo giới, lãnh đạo đảng SPD Martin Schulz cho biết ông hài lòng với thỏa thuận trên. Theo ông, SPD đã đạt được mục tiêu trong việc đoàn tụ gia đình của người tị nạn. Trong khi đó, đảng bảo thủ xác nhận hai bên đã đạt được thỏa thuận song không cho biết thông tin chi tiết.
[Đức: Lãnh đạo SPD hoài nghi về tiến độ đàm phán liên minh với CDU/CSU]
Trước đó, năm 2016, Chính phủ Đức quyết định ngừng hai năm việc đoàn tụ gia đình của những người chưa được nhận quy chế tị nạn đầy đủ.
Với việc đạt được đột phá trên, liên minh CDU/CSU và SPD sẽ còn phải giải quyết các vấn đề khó khăn còn tồn tại trong thời gian sắp tới như tình trạng thất nghiệp và chính sách y tế.
Ngày 12/1 vừa qua, sau năm ngày tiến hành các cuộc đàm phán thăm dò, lãnh đạo liên đảng CDU/CSU và đảng SPD đã đạt được tiến triển "mang tính đột phá" với thỏa thuận dài 28 trang về những nguyên tắc cơ bản để bắt đầu các cuộc đàm phán thành lập một chính phủ đại liên minh mới trong vài tuần tới.
Điểm nhấn quan trọng nhất trong thỏa thuận sơ bộ này là hai bên nhất trí cam kết "hợp tác chặt chẽ với Pháp để cải tổ và củng cố Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) một cách bền vững, nhằm giúp toàn liên minh ứng phó tốt hơn với các cuộc khủng hoảng toàn cầu cũng như thống nhất mức trần người tị nạn tối đa mà nước Đức có thể tiếp nhận hàng năm là 220.000 người./.