Phó Thủ tướng đồng thời là Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck tuyên bố Đức sẽ không kéo dài "tuổi thọ" của 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở nước này.
Ông Habeck cũng đồng thời cảnh báo người dân không nên hoang mang về tình trạng thiếu khí đốt có thể xảy ra trong mùa Đông tới.
Phát biểu tại “ngày mở cửa” của Chính phủ liên bang diễn ra vào 21/8, ông Robert Habeck cho biết việc cho phép 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của nước này tiếp tục hoạt động sẽ không mang lại nhiều lợi ích trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng của đất nước.
Theo ông Habeck, việc kéo dài "tuổi thọ" của 3 nhà máy điện hạt nhân, dự kiến đóng cửa vào cuối năm, sẽ chỉ tiết kiệm được khoảng 2% lượng khí đốt.
[Đức không bị ảnh hưởng trong mùa Đông nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt]
Ông nói: “Đó sẽ là quyết định sai lầm nếu tiếp tục vận hành các nhà máy điện hạt nhân và chúng tôi tiết kiệm được rất ít năng lượng."
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành kinh tế Đức thông báo ông để ngỏ khả năng kéo dài tuổi thọ của một nhà máy hạt nhân ở Bayern, tùy thuộc vào kết quả khảo sát hệ thống tải điện quốc gia.
Ông cho biết kết quả của cuộc khảo sát nhằm tính toán xem nước này đối phó như thế nào trong trường hợp Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt vào mùa Đông, sẽ được đưa ra sau vài tuần nữa. Bayern là một bang sản xuất điện lớn phụ thuộc vào các nhà máy điện khí và có ít nhà máy điện than và sản lượng điện gió thấp.
Ông Habeck trấn an người dân không nên hoảng sợ về viễn cảnh thiếu khí đốt trong những tháng mùa Đông lạnh giá, cho rằng nếu các hộ gia đình và ngành công nghiệp cắt giảm mức sử dụng 15-20% thì dễ dàng để vượt qua mùa Đông.
Bộ trưởng Kinh tế Habeck nhấn mạnh ngay cả khi Nga cắt hoàn toàn nguồn cung, sẽ không có tình trạng Đức không có nguồn cung khí đốt nào. Na Uy và Hà Lan đang tăng thêm nguồn cung khí đốt.
Bên cạnh đó, các cảng tiếp nhận khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm nay. Về lâu dài, ông Habeck cho biết Đức phải mở rộng đầu tư vào năng lượng tái tạo và loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch.
Ông Robert Habeck cũng lên tiếng phản đối đề xuất đưa vào vận hành tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), khẳng định đề xuất này đồng nghĩa với sự nhượng bộ dành cho Nga.
Đức đang trong giai đoạn loại bỏ dần năng lượng hạt nhân kể từ khi chính phủ của cựu Thủ tướng Angela Merkel thông qua luật này sau sự cố hạt nhân Fukushima năm 2011 ở Nhật Bản.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều lời kêu gọi tiếp tục sử dụng một số nhà máy điện hạt nhân trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt trong năm qua và căng thẳng với Nga, nước cung cấp khí đốt chính của Đức gia tăng liên quan đến cuộc xung đột với Ukraine./.