Đức bác khiếu nại về nghị quyết "tội ác diệt chủng" của Ottoman

Đức bác bỏ khiếu nại về nghị quyết "tội ác diệt chủng" của Ottoman

Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức bác bỏ tám khiếu nại chống lại nghị quyết của Quốc hội Liên bang Đức, xem việc thảm sát 1,5 triệu người Armenia vào năm 1915 của quân đội Ottoman là "tội ác diệt chủng."
Thẩm phán tòa án Hiến pháp Đức tại Karlsruhe. (Nguồn: EPA)

Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức ở thành phố Karsruhe, có nhiệm vụ giám sát việc tuân thủ hiến pháp, đã bác bỏ tám khiếu nại chống lại nghị quyết của Quốc hội Liên bang Đức, xem việc thảm sát 1,5 triệu người Armenia vào năm 1915 của quân đội Ottoman (nay là Thổ Nhĩ Kỳ) là "tội ác diệt chủng."

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong một quyết định được đưa ra vào ngày 19/12, các thẩm phán của Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức cho rằng nguyên đơn đã không cung cấp đủ các bằng chứng cho thấy quyền cơ bản của mình bị vi phạm và không nhận thấy có hành vi vi phạm rõ ràng. 

Nghị quyết về "tội ác diệt chủng" của Ottoman được Quốc hội Liên bang Đức thông qua hồi tháng 6 vừa qua trong một sự kiện gây ra nhiều tranh cãi.

Chủ tịch Hạ viện Đức Nobert Lammert cho rằng chính phủ hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ không phải chịu trách nhiệm về một sự kiện đã xảy ra từ Chiến tranh Thế giới thứ nhất, nhưng cần phải có trách nhiệm với những gì liên quan trong tương lai. 

Tuy nhiên, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn vô cùng tức giận trước việc Quốc hội Liên bang Đức thông qua nghị quyết nói trên và đã quyết định rút Đại sứ khỏi Berlin trong vài tháng để phản đối.

Ankara cũng ngăn cản các nhà lập pháp của Đức thăm quân nhân Đức tại căn cứ không quân Incirlik của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Bất chấp việc Chính phủ Đức nhấn mạnh nghị quyết này không ràng buộc về mặt pháp lý, quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua một giai đoạn hết sức sóng gió.

Sau cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7 vừa qua, Đức chỉ trích mạnh mẽ hành động bắt bớ hàng loạt của Ankara, trong khi Berlin bị phía Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc cung cấp nơi ẩn náu cho các chiến binh người Kurd thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục