Đức, Anh, Pháp và Mỹ tiến hành hội nghị trực tuyến về Syria

Lãnh đạo Đức, Anh, Pháp và Mỹ tiến hành hội nghị trực tuyến, hoan nghênh thoả thuận đạt được giữa Mỹ và Nga về một lệnh ngừng bắn ở Syria.
Đức, Anh, Pháp và Mỹ tiến hành hội nghị trực tuyến về Syria ảnh 1Các chiến binh người Kurd tại Syria. (Nguồn: thenation.com)

Tại Berlin, tối 23/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tiến hành hội nghị trực tuyến với Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Mỹ Barack Obama để thảo luận về tình hình Syria.

Nguồn tin từ Chính phủ Đức cho biết, tại hội nghị, lãnh đạo bốn nước đã lên tiếng hoan nghênh thoả thuận đạt được giữa Mỹ và Nga về một lệnh ngừng bắn ở Syria, đồng thời hối thúc các bên liên quan nhanh chóng triển khai một cách toàn diện thoả thuận này.

Thủ tướng Đức, Anh và Tổng thống Pháp, Mỹ cũng nhất trí nhấn mạnh sự khẩn thiết phải tiến hành các bước đi nhằm ổn định tình hình và giải quyết tình trạng khẩn cấp nhân đạo đối với dân chúng, đặc biệt ở thành phố Aleppo của Syria.

Các nhà lãnh đạo cũng cho rằng việc quân đội Nga và Syria chấm dứt không kích ở Syria sẽ là nhân tố cơ bản để xoa dịu tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, lãnh đạo Đức, Anh, Pháp và Mỹ cũng nhất trí sẽ theo dõi sát sao việc duy trì các điều khoản của thoả thuận ngừng bắn, đặc biệt là không được thực hiện các cuộc không kích nhằm vào các nhóm ôn hoà và dân thường ở Syria.

Chính quyền Nga và Syria "có trách nhiệm đặc biệt" trong nỗ lực này.

Lãnh đạo bốn nước cũng nhấn mạnh rằng triển vọng chấm dứt bạo lực ở Syria phải được đặt dưới một "tiến trình chuyển tiếp chính trị thực sự và đáng tin cậy", phù hợp với các mục tiêu của Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Đức, Anh, Pháp và Mỹ cũng hoan nghênh quyết định mới đây của các Bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về hỗ trợ biện pháp ngăn chặn việc di cư bất hợp pháp ở khu vực biển Aegean, bày tỏ hy vọng các hành động này của NATO sẽ nhanh chóng mang lại thành công bên cạnh sự hợp tác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục