Dubai -Thủ phủ của vàng buôn lậu từ châu Phi?

Dubai - Thủ phủ của vàng buôn lậu từ châu Phi?

Hàng năm, lượng vàng trị giá hàng tỷ USD ở châu Phi bị buôn lậu tới Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) ở Trung Đông- cửa ngõ vào các thị trường châu Âu, Mỹ và nhiều nơi khác.
Dubai - Thủ phủ của vàng buôn lậu từ châu Phi? ảnh 1Khuôn sản xuất ra những thỏi vàng. (Nguồn: Reuters)

Hãng Reuters ngày 24/4 có bài phân tích về tình trạng khai thác vàng bất hợp pháp và bị buôn lậu tới Dubai với quy mô rất lớn.

Theo đó, hàng năm, lượng vàng trị giá hàng tỷ USD ở châu Phi bị buôn lậu tới Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) ở Trung Đông- cửa ngõ vào các thị trường châu Âu, Mỹ và nhiều nơi khác.

Phần lớn vàng không được ghi nhận trong mặt hàng xuất khẩu của các nước châu Phi.

Kết quả phỏng vấn của Reuters với 5 nhà kinh tế thương mại cho thấy khối lượng vàng rất lớn đang bị buôn lậu ra khỏi châu Phi, gây thất thoát lớn về thuế đối với các nước sản xuất.

Không ai có thể đưa ra con số chính xác về tổng giá trị vàng đang bị buôn lậu khỏi châu Phi. Tuy nhiên, phân tích của trang mạng này có thể dự đoán về quy mô khiến nhiều người kinh ngạc.

Reuters ước tính khối lượng vàng bị buôn lậu bằng cách so sánh tổng lượng vàng nhập khẩu vào UAE với lượng vàng xuất khẩu được các nước châu Phi ghi nhận một cách chính thức.

Trao đổi với Reuters, các công ty khai thác vàng bằng phương pháp công nghiệp ở châu Phi cho biết vàng do các công ty này khai thác không được xuất khẩu sang UAE, nghĩa là lượng vàng nhập khẩu của UAE từ châu Phi đến từ các nguồn không chính thức khác.

Những người khai thác vàng, bao gồm cả những người được khai thác hợp pháp, thường bán vàng cho người trung gian.

Những người trung gian này có thể trực tiếp đưa vàng bằng đường không đến nơi khác hoặc đưa bất hợp pháp vàng xuyên biên giới châu Phi, che đậy nguồn gốc vàng trước khi đầu mối trung gian khác đưa vàng ra khỏi lục địa, thường được mang trong hành lý xách tay.

[Sản lượng vàng của Australia có thể đạt mức cao kỷ lục trong 2018]

Dữ liệu hải quan do chính phủ các nước cung cấp cho Trung tâm Dữ liệu thống kê thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (Comtrade) cho thấy năm 2016, UAE đã nhập khẩu lượng vàng trị giá 15,1 tỷ USD từ châu Phi - mức nhập khẩu cao nhất toàn thế giới - tăng hơn 11 lần so với mức 1,3 tỷ USD trong năm 2006.

Năm 2016, tổng khối lượng vàng nhập khẩu của UAE là 446 tấn với nhiều mức độ tinh luyện khác nhau, trong khi năm 2006, nước này nhập 67 tấn vàng.

Năm 2015, Trung Quốc- nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới- nhập khẩu nhiều vàng từ châu Phi hơn so với UAE.

Tuy nhiên, năm 2016, năm gần nhất được thống kê, giá trị vàng nhập khẩu của UAE lại gần gấp đôi so với vàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 8,5 tỷ USD.

Thụy Sĩ - trung tâm tinh luyện vàng thế giới - đứng thứ ba với vàng nhập khẩu trị giá 7,5 tỷ USD. Hầu hết vàng được giao dịch tại Dubai, thủ phủ ngành công nghiệp vàng của UAE.

Frank Mugyenyi- cố vấn cấp cao về phát triển công nghiệp tại Liên minh châu Phi (AU), nhà sáng lập cơ quan phụ trách khoáng sản của AU - nhận định: “Một lượng vàng rất lớn đã bị đưa khỏi châu Phi mà không được các cơ quan chức năng thống kê. UAE đang trục lợi từ môi trường kinh doanh không được kiểm soát ở châu Phi.”

Trong 11 trường hợp khảo sát, giá trị thực mỗi kg vàng mà UAE nhập khẩu cao hơn đáng kể so với giá trị được nước xuất khẩu ghi nhận.

Leonce Ndikumana- nhà kinh tế học chuyên nghiên cứu về dòng vốn ở châu Phi- đánh giá đây là “trường hợp kinh điển của xuất khẩu thấp hơn giá trị thực” để được hưởng lợi về thuế.

Giá vàng cao làm bùng nổ tình trạng khai thác vàng bất hợp pháp. Hiện nay, vàng đang được giao dịch ở mức hơn 40.000 USD/kg, thấp hơn mức đỉnh điểm năm 2012 nhưng vẫn cao gấp bốn lần so với hai thập kỷ trước.

Các phương thức khai thác vàng không chính thức, gồm khai thác thủ công với quy mô nhỏ, vẫn đang phát triển trên toàn cầu.

Tuy nhiên, phương pháp này đã và đang làm rò rỉ hóa chất vào lòng đất, đá và sông ngòi. Trong thập kỷ qua, nhu cầu cao về vàng đã khiến cho những chủ thể khai thác không chính thức sử dụng thiết bị đào đãi và hóa chất độc hại nhằm tăng năng suất.

Nước nhiễm bẩn từ khai thác vàng chảy xuống các dòng sông, âm ỉ đầu độc một bộ phận dân cư phụ thuộc vào những nguồn nước này để sinh sống.

Độc tố của thủy ngân- hóa chất dùng phổ biến trong khai thác vàng- có thể làm tổn thương thận, tim, gan, lá lách và phổi, gây ra các rối loạn thần kinh.

Theo các nhà nghiên cứu và thợ mỏ Ghana, chất độc xyanua và axit nitric cũng đang được sử dụng trong khai thác vàng.

Các công ty khai thác vàng bằng phương pháp công nghiệp cũng gây ra tình trạng ô nhiễm từ sự cố tràn xyanua đến các vấn đề hô hấp do bụi thải ra từ hoạt động khai thác.

Nhiều chính phủ ở châu Phi như Ghana, Tanzania và Zambia cho rằng việc sản xuất và buôn lậu vàng qua biên giới ở các nước này đang diễn ra trên quy mô rộng lớn, đôi khi do các đối tượng phạm tội thực hiện và thường phải trả giá đắt về môi trường và con người.

Burkina Faso đã cấm các hoạt động khai thác vàng quy mô nhỏ ở một số khu vực có các đối tượng liên quan đến nhóm khủng bố al-Qaeda đang hoạt động.

Đầu tháng 4 vừa qua, Chính phủ Nigeria đã đình chỉ khai thác vàng ở bang Zamfara phía Tây Bắc nước này do các báo cáo tình báo đã chỉ ra rằng có sự “cấu kết rõ ràng và chặt chẽ” giữa những kẻ cướp có vũ trang và những người khai thác vàng bất hợp pháp.

Các nhà đầu tư phương Tây cần vàng để đa dạng hóa danh mục đầu tư. Ấn Độ và Trung Quốc cần vàng để làm đồ trang sức.

Tuy nhiên, hầu hết các công ty phương Tây cũng như các ngân hàng tài trợ những công ty này né tránh giao dịch trực tiếp với nguồn vàng ở châu Phi được khai thác bằng các biện pháp phi công nghiệp.

Họ không muốn mạo hiểm mua bán nguồn vàng có thể đã được khai thác phục vụ cho các cuộc xung đột hoặc có thể liên quan đến vi phạm nhân quyền, chẳng hạn như ở Cộng hòa Dân chủ Congo hoặc Sudan.

Các quốc gia, bao gồm cả UAE, ít chú ý đến vấn đề buôn lậu vàng. Trong thập kỷ qua, vàng được khai thác từ châu Phi ngày càng trở nên quan trọng đối với Dubai.

Dữ liệu của Comtrade cho thấy từ năm 2006 đến năm 2016, tỷ lệ vàng có nguồn gốc châu Phi được nhập khẩu vào UAE tăng từ 18% lên gần 50%.

Trung tâm Thương mại Dubai (DMCC) - thị trường vàng chính của UAE - tự nhận trên trang web của họ là “cửa ngõ của bạn để giao dịch toàn cầu.”

Giao dịch vàng chiếm gần 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của UAE. Tuy nhiên, theo Reuters, các “ông lớn” về kinh doanh vàng, bao gồm AngloGold Ashanti, Sibanye-Stillwater và Gold Field đều cho biết họ không xuất khẩu vàng tới thị trường này.

Reuters đã liên hệ với 23 công ty khai thác vàng hoạt động ở châu Phi- công ty nhỏ nhất sản xuất khoảng 2,5 tấn vào năm 2018 - và 21/23 công ty cho biết họ không gửi vàng đến Dubai để tinh chế, hai công ty còn lại không phản hồi.

Giám đốc kỹ thuật Neil Harby của Hiệp hội Thị trường Vàng thỏi London (LBMA)- cơ quan thiết lập tiêu chuẩn cho ngành khai thác vàng tại các thị trường phương Tây - nói rằng “LBMA không thoải mái khi giao dịch với châu Phi” bởi những lo ngại về sự yếu kém trong hải quan, giao dịch tiền mặt cũng như vàng được vận chuyển bằng hàng xách tay.

Các nhà điều tra và những người trong ngành công nghiệp vàng cho rằng thái độ dễ dãi đối với những kẻ buôn lậu vàng trong hành lý xách tay trên các chuyến bay xuất phát từ châu Phi khiến hàng hóa này bị đưa ra khỏi châu lục mà không bị phát hiện.

Tình trạng hạn chế về pháp luật của UAE cho phép vàng khai thác bất hợp pháp có thể được nhập khẩu hợp pháp, miễn thuế vào nước này.

Một số thương nhân châu Phi cho biết vàng có thể được nhập khẩu vào Dubai mà hầu như không có giấy tờ gì kèm theo.

Reuters đã trao những phân tích thu thập được cho 14 chính phủ ở châu Phi. Có 5/14 nước cho biết những phân tích đó cũng tương tự như mối quan tâm của các chính phủ này về tình trạng buôn lậu vàng đang diễn ra.

Các nước còn lại đều không có phản ứng tích cực.

Các chính phủ ở châu Phi đang nỗ lực tìm ra biện pháp quản lý, bất kể rủi ro của lĩnh vực đó là gì, theo hướng mang lại sinh kế cho nhiều công dân và nguồn thu cho đất nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục