Giới chức y tế Cộng hòa dân chủ Congo ngày 14/11 bắt đầu sử dụng J&J, loại vắcxin thứ hai nhằm phòng bệnh do virus Ebola gây ra, tại miền Đông nước này.
Tổ chức từ thiện Bác sỹ không biên giới (MSF) cho biết sáng sớm cùng ngày, khoảng 15 người đã được tiêm vắcxin trên, do hãng Johnson & Johnson sản xuất, tại 1 trong 2 trung tâm của MSF ở Goma, thủ phủ tỉnh Bắc Kivu.
Lô vắcxin mới này được dành cho khoảng 50.000 người trong vòng 4 tháng. Những người tiếp nhận liều vắcxin đầu tiên sẽ được tiêm nhắc lại lần hai.
Theo MSF, việc triển khai chương trình tại Goma cho phép nhà chức trách kiểm chứng sự thành công của hoạt động tiêm phòng 2 liều vắcxin ở thành phố 1 triệu dân hay lưu chuyển và từng ghi nhận nhiều ca mắc Ebola trong quá khứ này.
[EU sẽ cấp phép cho vaccine đầu tiên trên thế giới phòng Ebola ]
Hơn 250.000 người đã được tiếp nhận các liều vắcxin phòng Ebola loại khác kể từ tháng 8/2018, thời điểm Cộng hòa dân chủ Congo tuyên bố bùng phát dịch tại các tỉnh Bắc Kivu, Nam Kivu và Ituri, giáp biên giới Uganda, Rwanda và Burundi.
Theo các số liệu mới nhất, dịch Ebola đã cướp đi sinh mạng của 2.193 người. Các nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh này bị cản trở không chỉ bởi tình hình giao tranh mà còn bởi sự chần chừ của các cộng đồng dân cư trong thực hiện biện pháp phòng ngừa và triển khai các phương tiện khám chữa bệnh.
Trước đó, ngày 12/11 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo đã đánh giá tiền lâm sàng lần đầu tiên đối với vắcxin Ervebo do phòng thí nghiệm Merck Sharpe & Dohme (MSD) của Mỹ nghiên cứu và sản xuất.
Vắcxin Ervebo đã được chứng minh có hiệu quả trong việc ngăn chặn virus Ebola.
Đây là một bước chủ chốt tiến tới cấp phép cũng như tiếp cận và lưu hành loại vắcxin này tại các quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch.
Ebola là bệnh do virus gây ra với các triệu chứng ban đầu như sốt đột ngột, đau cơ, đau họng. Sau đó người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy, một số trường hợp có thể bị xuất huyết cả bên trong và bên ngoài.
Virus lây qua tiếp xúc gần gũi với động vật nhiễm bệnh, sau đó lây từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể hoặc nội tạng của người nhiễm bệnh, hoặc lây gián tiếp qua môi trường ô nhiễm./.