Đưa vào sử dụng đường cất hạ cánh và đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất

Việc đưa vào sử dụng đường cất hạ cánh và đường lăn giúp tăng năng suất phục vụ hành khách, điều hành các chuyến bay, điều phối các hoạt động bay trong thời gian cao điểm, nhất là dịp lễ 30/4 và 1/5.
Chuyến bay đầu tiên cất cánh trên đường cất hạ cánh và đường lăn 25R/07L và 25L/07L sau khi được cải tạo, nâng cấp. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Chiều 25/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải (chủ đầu tư) và Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đơn vị được giao quản lý) tổ chức nghi thức hoàn thành và đưa vào sử dụng dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Dự án được Thủ tướng quyết định triển khai theo lệnh khẩn cấp và khởi công xây dựng ngày 1/7/2020 bao gồm các hạng mục nâng cấp đường cất hạ cánh 25R/07L; xây dựng mới các đường lăn song song, đường lăn thoát nhanh; xây dựng hệ thống thoát nước.

Dự án được thiết kế bởi Liên danh 2 tư vấn gồm Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC) và Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI); do Liên danh 3 nhà thầu gồm: Tổng Công ty Xây dựng công trình hàng không (ACC), Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng 647 và Cienco4 thi công; được sự giám sát của Liên danh 2 Tư vấn Phân viện khoa học công nghệ giao thông vận tải phía Nam (ITSTS) và Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (TEDI South).

Đường cất hạ cánh 25R/07L với hệ thống đèn hiệu sử dụng công nghệ đèn Led đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng từ ngày 1/12/2021.

Tuy nhiên, sau đó được đóng lại từ ngày 17/3/2022 để phục vụ thi công các khu vực hạn chế của đường lăn P1, V1, S7 nhằm hoàn thiện toàn bộ dự án.

[Đóng một đường băng Tân Sơn Nhất, hành khách cần theo dõi lịch bay]

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, trong thời gian triển khai thi công, nhất là từ tháng 5/2021 đến hết tháng 9/2021, dịch bệnh COVID-19 tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội làm ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình tổ chức thi công.

“Khó khăn không chỉ việc huy động công nhân, máy móc, thiết bị, vật liệu đến công trường, biến động giá vật liệu tăng cao mà còn có gần 200 người bị nhiễm COVID-19 (F0) phải đi cách ly tập trung. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Giao thông Vận tải và sự phối hợp hỗ trợ rất tích cực và hiệu quả của Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam-CTCP (ACV), Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và các nhà thầu đã nỗ lực, quyết tâm và hoàn thành công trình theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ,” ông Thi chia sẻ.

Có mặt tại thời điểm vận hành, đưa vào sử dụng đường cất hạ cánh và đường lăn Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam cho rằng, việc kịp đưa vào khai thác trở lại trong thời gian này có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Trước mắt là giúp tăng năng suất phục vụ hành khách, điều hành các chuyến bay, điều phối các hoạt động bay trong thời gian cao điểm, nhất là dịp lễ 30/4 và 1/5 khi nhu cầu hành khách tăng cao cũng như hướng đến mở cửa đón khách quốc tế.

“Tầng suất cất hạ cánh tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện đang duy trì ngày là 32 chuyến bay/giờ, đêm là 33 chuyến bay/giờ. Nhưng khi đưa vào sử dụng đường cất hạ cánh và đường lăn này có thể nâng tầng suất lên 40-44 chuyến/giờ, góp cải thiện đáng kể việc phục vụ hành khách có nhu cầu,” ông Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ.

Đến thời điểm hiện tại dự án đã hoàn thành và đủ điều kiện để đưa vào khai thác trở lại 2 đường băng 25R/07L và 25L/07L kể từ 14 giờ 01 phút ngày 25/4/2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục