Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) và Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn từ thị xã Ngã Bảy (nay là thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) đến huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) đã hoàn thành các hạng mục, đủ điều kiện, chính thức đưa vào khai thác sử dụng, giúp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa nông sản của các tỉnh miền Tây Nam Bộ và khu vực.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Cà Mau có điểm đầu giao với Quốc lộ 1A tại Km2239+770 Quốc lộ 1A thuộc phường 6, thành phố Cà Mau. Điểm cuối giao với Quốc lộ 1A tại Km2253+347,9 Quốc lộ1A thuộc xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước.
Dự án có chiều dài tuyến khoảng 14,3km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, bề rộng nền đường 12m; tổng mức đầu tư là 1.725,8 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách Nhà nước; được khởi công ngày 6/1/2022 và hoàn thành tháng 12/2023.
Từ ngày 10/12, các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A sẽ đi theo tuyến tránh hướng từ nút giao với Quốc lộ 1A tại Km2239+770 Quốc lộ 1A thuộc phường 6, thành phố Cà Mau đến điểm cuối tuyến giao với Quốc lộ 1A tại Km2253+347,9 Quốc lộ 1A thuộc xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, Cà Mau.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn từ thành phố Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) đến huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) có điểm đầu tại Km2100+000 (nối vào điểm cuối dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ-Phụng Hiệp). Điểm cuối tại Km2118+600 (nối vào điểm đầu dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng).
Dự án này có tổng chiều dài tuyến khoảng 19,82km được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, bề rộng nền đường 20m; tổng mức đầu tư là 1.681,7 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Dự án được khởi công ngày 26/2/2022 và hoàn thành và đưa vào khai thác tháng 6/2023.
Gấp rút hoàn thành dự án nâng cấp Quốc lộ 1A qua Hậu Giang, Sóc Trăng
Nhấn mạnh ngay sau khi khởi công dự án, tất cả các đơn vị thi công đã đồng loạt triển khai, song song với công tác giải phóng mặt bằng, tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận cả 2 dự án triển khai thi công trong thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19, việc huy đông nhân lực, máy móc thiết bị gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, tác động kép do biến động chính trị trên thế giới khiến giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao; tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đồng loạt triển khai nhiều dự án với nhu cầu khối lượng vật liệu lớn dẫn đến thiếu hụt về nguồn cung (đặc biệt với nguồn vật liệu cát đắp), thời tiết diễn biến bất thường tại khu vực cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ của dự án.
Xác định việc sớm hoàn thành các dự án là nhiệm vụ trọng tâm, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án 7 tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban, ngành địa phương sớm giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng công trình.
“Sau gần 2 năm triển khai thi công, đến nay cả 2 dự án đã đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nói.
Việc hoàn thành đưa vào khai thác Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Cà Mau và Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn từ thị xã Ngã Bảy (nay là thành phố Ngã Bảy), tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng được phía Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh có ý nghĩa quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm tai nạn giao thông, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh-quốc phòng của 3 tỉnh Cà Mau, Hậu Giang, Sóc Trăng nói riêng và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung.
Dự án hoàn thành cũng từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông theo quy hoạch của địa phương và hoàn chỉnh mạng lưới giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.