Đưa vào hoạt động Cổng Thông tin kết nối sàn thương mại điện tử

Cổng dữ liệu thông tin thương mại điện tử trong nước sẽ vận hành và đảm bảo việc tiếp nhận thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân kinh doanh qua sàn thương mại điện tử. 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tham dự hội nghị và ấn nút khai trương Cổng Thông tin điện tử kết nối với sàn thương mại điện tử trong nước. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 15/12, Tổng cục Thuế đã chính thức khai trương và đưa vào hoạt động Cổng Thông tin điện tử kết nối với sàn thương mại điện tử trong nước và triển khai áp dụng Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Theo đó, Cổng dữ liệu thông tin thương mại điện tử vận hành, đảm bảo việc tiếp nhận thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân kinh doanh qua sàn thương mại điện tử. 

[Ngành thuế Việt Nam và Hàn Quốc hợp tác hướng tới phát triển bền vững]

Cổng này sẽ đáp ứng các yêu cầu về tiếp nhận bản kê khai dữ liệu của sàn giao dịch thương mại điện tử trong trường hợp sàn thương mại điện tử thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh thông qua sàn thương mại điện tử.

Mặt khác, Cổng dữ liệu thông tin thương mại điện tử cũng tiếp nhận thông tin tổng hợp của tổ chức, cá nhân kinh doanh qua sàn thương mại điện tử trong trường hợp sàn thương mại điện tử chưa thực hiện khai thuế thay cho cá nhân.

Trong năm 2022, toàn ngành thuế đã cắt giảm 70 thủ tục hành chính, giảm từ 304 thủ tục hành chính (năm 2021) xuống còn 234 thủ tục hành chính (tỷ lệ giảm 23%), trong đó hầu hết đạt mức độ 3, 4 và đã hoàn thành tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, từ đó tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về thuế.

Đến thời điểm này, Tổng cục Thuế đã kết nối và khai thác 5 dịch vụ của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an cung cấp (gồm Xác nhận số định danh cá nhân và chứng minh thư, Xác nhận thông tin hộ gia đình, Chia sẻ thông tin công dân qua kênh kết nối với Văn phòng chính phủ, Gợi ý số định danh cá nhân, Gợi ý số định danh cá nhân không có số chứng minh thư nhân dân).

Tổng cục Thuế cũng đã đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài trong năm qua. Đến nay, đã có 42 nhà cung cấp nước ngoài lớn trên khắp thế giới đã đăng ký, kê khai nộp thuế trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử với tổng số thuế đã kê khai, nộp thuế là 3.444 tỷ đồng; trong đó một số nhà cung cấp nước ngoài kê khai, nộp thuế lớn như: Meta (Facebook), Google, TikTok; Microsoft, eBay,…).

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng cho biết tổng thu ngân sách do ngành quản lý trong năm 2022 ước đạt 1,4 triệu tỷ đồng, bằng 124% dự toán phát lệnh (vượt 285.200 tỷ đồng) và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021. 5,3% so với thực hiện năm 2021.

Cụ thể, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước ghi nhận 17/19 khu vực, khoản thu, sắc thuế hoàn thành vượt mức dự toán. Trong số đó, 3 khoản thu lớn từ khu vực sản xuất, kinh doanh (như khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt  gần 116%; khu vực doanh nghiệp  có vốn đầu tư nước ngoài đạt 108%; khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 116%…).

Có 63/64 đơn vị thu đều hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán, trong đó có nhiều địa phương đạt khá so với dự toán và tăng cao so với cùng kỳ năm 2022. Riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã cán mốc thu trên 300.000 tỷ đồng. Ngoài ra, công tác thu từ khối doanh nghiệp lớn cũng dự kiến cán đích trên 245.000 tỷ đồng đến cuối năm 2022.

Trên cả nước, có 8 địa phương cán mốc trên 30.000 tỷ đồng là Bà Rịa - Vũng Tàu, Hưng Yên, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế nhấn mạnh trong năm tới, ngành sẽ nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp, chính sách về gia hạn, miễn, giảm thuế, tiền thuê đất thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đồng thời tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp này nhằm hỗ trợ, giúp người dân, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế sẽ rà soát, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, hiện đại hóa hệ thống thuế nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phù hợp với các mục tiêu, định hướng đã đề ra tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục