Đưa văn học Việt ra thế giới: Nỗ lực nhiều nhưng vẫn chưa đủ

Đưa văn học Việt ra thế giới: Nỗ lực nhiều nhưng vẫn còn chưa đủ

Trong khi hàng nghìn tác phẩm nước ngoài được dịch và bày bán ở trong nước thì số lượng tác phẩm văn học Việt Nam được dịch và giới thiệu ra quốc tế chỉ tính trên đầu ngón tay.
Độc giả trong và ngoài nước tham quan triển lãm ''Giao lưu văn học Việt Nam với thế giới'' tại Thư viện Hà Nội. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)

Nhiều năm qua, Việt Nam đã chủ động hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa nói chung và văn học nói riêng. Tuy nhiên, ghi nhận của nhiều nhà văn, nhà thơ tham gia chuỗi sự kiện văn học quốc tế diễn ra ở Việt Nam thì việc quảng bá văn học Việt ra nước ngoài vẫn còn nhiều điều đáng nói.

Các nhà văn, tác giả, dịch giả người nước ngoài cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu giúp đỡ Việt Nam trong công tác quảng bá văn học Việt đến với đông đảo công chúng thế giới.

Nỗ lực quảng bá văn học Việt ra nước ngoài

Nỗ lực chủ động quảng bá văn học Việt ra nước ngoài hơn một thập niên qua của làng văn học Việt Nam đã thu được một số kết quả đáng ghi nhận.

Đặc biệt, hai kỳ hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam trước đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà thơ, dịch giả đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, góp phần mở thêm kênh giao lưu, cơ hội giới thiệu văn học Việt Nam đến với quốc tế.

Các tác phẩm như ''Nhật ký trong tù'' của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thơ Hồ Xuân Hương, tiểu thuyết ''Số đỏ'' của Vũ Trọng Phụng, tiểu thuyết ''Nỗi buồn chiến tranh'' của Bảo Ninh, thơ của Nguyễn Quang Thiều, tác phẩm của Tô Hoài, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Phong Điệp… qua hoạt động ngoại giao của Hội Nhà văn Việt Nam hoặc các kênh cá nhân đã đến với các nhà xuất bản, bạn đọc nước ngoài.

Để tiếp tục đưa văn học Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, trong năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã cho ra mắt một trung tâm dịch thuật văn học. Trung tâm dịch thuật này đã có những hoạt động đầu tiên để quảng bá văn học Việt ra nước ngoài.

Chuỗi sự kiện quảng bá văn học Việt Nam năm 2015 diễn ra từ ngày 1-7/3 góp phần giới thiệu rộng rãi, cung cấp một bức tranh tổng thể về thành tựu, giá trị, bản sắc độc đáo của văn học Việt Nam đến với bạn bè quốc tế; tạo cơ hội cho văn học Việt Nam tiếp cận với các nhà dịch thuật, nghiên cứu, xuất bản quốc tế; thúc đẩy việc ký kết hợp tác xuất bản văn học Việt Nam tại các quốc gia trên thế giới...

Theo nhà văn Graham Mort (Anh), sáng kiến tổ chức chuỗi hoạt động quảng bá văn học của Việt Nam ra nước ngoài lần này rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều hoạt động diễn ra ở những địa điểm khá xa nhau nên người nước ngoài sẽ không cảm thấy hết được cái hay, cái đẹp của văn học Việt Nam.

Hơn nữa, có quá ít thời gian để các nhà xuất bản, nhà văn Việt Nam và quốc tế gặp gỡ, tìm hiểu cơ hội hợp tác.

Là điểm nhấn quan trọng trong hoạt động quảng bá văn học, hai đêm thơ tại thủ đô Hà Nội và Quảng Ninh chưa thể làm thỏa mãn người yêu thơ Việt và hơn 150 nhà thơ, nhà văn quốc tế.

Ông Ha Jan Hong (thành viên đoàn nhà văn Hàn Quốc) chia sẻ ông tham dự chuỗi sự kiện văn học Việt Nam với mong muốn tìm hiểu, cảm nhận nhiều hơn về thơ Việt Nam. Hai đêm thơ được tổ chức trọng thể, hoạt động giới thiệu, trình diễn thơ đa dạng, phong phú song những người nước ngoài, không biết tiếng Việt như ông Ha Han Jong thật khó cảm thụ bởi thơ Việt Nam hầu như không được dịch sang tiếng nước ngoài, còn thơ nước ngoài cũng ít được dịch sang tiếng Việt.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài vẫn còn hạn chế. So với hàng nghìn tác phẩm nước ngoài được dịch và bày bán ở trong nước thì không nhiều người biết hay kể ra được tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch và giới thiệu đến bạn bè quốc tế.

Mặt khác, văn học Việt Nam vẫn chưa được các nhà xuất bản trên thế giới săn tìm.

Kinh nghiệm từ các nước

Tổng thư ký Hội Nhà văn Đài Loan (Trung Quốc), Tưởng Vi Văn, đánh giá cao hoạt động quảng bá văn học của Việt Nam ra nước ngoài gần chục năm trở lại đây, đặc biệt là chuỗi sự kiện quảng bá văn học Việt Nam lần này.

Bên cạnh đó, việc quảng bá văn học của Việt Nam sang Đài Loan cũng đã bước đầu ghi nhận kết quả đáng khích lệ. Người Đài Loan đã được thưởng thức nhiều tác phẩm kinh điển của Việt Nam qua việc hợp tác xuất bản, các hoạt động giao lưu văn học...

Hiện nay, người dân Đài Loan cũng như nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác rất quan tâm đến lịch sử chiến đấu, bảo vệ, xây dựng đất nước của Việt Nam. Giới trẻ Đài Loan đang có xu hướng tìm hiểu về cuộc sống của cô dâu Việt Nam ở Đài Loan. Tuy nhiên, các tác phẩm viết về hai đề tài này lại quá ít ở Đài Loan.

Với suy nghĩ đó, Tổng Thư ký Hội Nhà văn Đài Loan cho rằng trong tương lai, việc quảng bá văn học Việt Nam tại Đài Loan cần tập trung giới thiệu những tác phẩm về hai đề tài đang được độc giả quan tâm.

Hai bên cũng cần coi trọng hơn nữa việc hợp tác giữa các nhà văn, biên dịch, nhà xuất bản trong hoạt động quảng bá văn học.

''Văn học Việt Nam muốn hội nhập và phát triển phải tính đến việc quảng bá hay nói cụ thể hơn là tính đến việc đưa sách Việt Nam xuất hiện hoặc trở lại các thị trường nước ngoài'' - là chia sẻ của nhà văn Igor Britov, Trưởng Ban biên tập chương trình phát thanh khu vực châu Á Hãng thông tấn quốc tế ''Nước Nga hiện nay.''

Theo ông, ở Liên bang Nga, văn học Việt Nam được khá nhiều bạn đọc biết đến nhưng chủ yếu vẫn là độc giả thế hệ trước. Hiện nay, việc giới thiệu các tác phẩm văn học Việt Nam ở Nga đã được nối lại sau 20 năm gián đoạn.

Đặc biệt, năm 2012, chương trình quảng bá văn học Nga-Việt ở hai nước do Tổng thống Dmitry Anatolyevich Medvedev đề xướng, được thực hiện. Các tác phẩm được Nhà xuất bản Lokid Premium ở Moskva (đơn vị làm việc trên cơ sở liên hệ mật thiết với Quỹ giao lưu và quảng bá văn học Nga-Việt mới được thành lập tại Việt Nam) chịu trách nhiệm xuất bản và Ngân hàng Ngoại thương Nga đảm bảo tài chính.

Đã có 6 cuốn sách của các tác giả Việt Nam được đưa vào kế hoạch xuất bản bằng tiếng Nga tới năm 2016 như tiểu thuyết ''Hồn bướm mơ tiên'' của Khái Hưng, truyện thơ kinh điển ''Đoạn trường tân thanh'' của Nguyễn Du, hai tiểu thuyết của nhà văn Ma Văn Kháng và Nguyễn Xuân Khánh...

Nhà văn Nga tâm huyết với văn học Việt Nam này khẳng định những động thái trên là tích cực song vẫn chưa đủ để phục hồi sự quan tâm của độc giả Nga đến văn học Việt trong điều kiện văn học dịch xuất hiện quá nhiều trên thị trường sách.

Tuy nhiên, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm từ việc quảng bá văn học Nhật Bản ở Liên bang Nga. Từ năm 1972, dưới sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao, Quỹ Nhật Bản ở Liên bang Nga được thành lập đã góp phần tích cực giới thiệu văn hóa Nhật tại đây.

Nhờ đó, văn hóa Nhật Bản đang ngày càng được ưa chuộng và mối quan tâm tới văn học Nhật cũng tăng lên. Các nhà văn Nhật Bản sang Liên bang Nga tham dự triển lãm, hội chợ sách, tích cực giới thiệu tác phẩm trên mọi diễn đàn, diễn thuyết ở nhiều trường học. Phía Nhật Bản tài trợ cho công việc dịch thuật. Đại sứ Nhật ở Liên bang Nga mỗi năm cũng mời các dịch giả sang thực tập...

Cùng chung quan điểm trên, nhà văn Bakhitkozha Rustemov (Cộng hòa Kazakhstan) cho hay việc quảng bá văn học đòi hỏi sự hợp tác của nhiều cơ quan hữu quan, nhất là sự vào cuộc của Chính phủ.

Cần phải có những bản thỏa thuận, bản ghi nhớ cấp quốc gia, cấp bộ thì mới đủ sức quảng bá văn học Việt ra nước ngoài. Kinh nghiệm cho thấy nếu được Chính phủ hỗ trợ, việc quảng bá văn học của các quốc gia, vùng lãnh thổ đều có hiệu quả rất tốt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục