Đưa thông tin hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử

Sàn thương mại điện tử Postmart.vn có nhiều hình thức hướng dẫn linh hoạt cho người nông dân đưa sản phẩm lên sàn như: livestream, họp nhóm, gửi hướng dẫn dạng hình ảnh hoặc video...
Đưa thông tin hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử ảnh 1Vietnam Post giúp nông dân nâng cao giá trị nông sản nhờ công nghệ.

Thông tin từ Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) cho biết, đến hết năm 2021 sẽ đưa thông tin của khoảng 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.

Đồng thời, để mở rộng và khuyến khích hình thức thương mại này phát triển, Bưu điện Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các phương án hướng dẫn, hỗ trợ, đào tạo người dân tiếp cận dần với loại hình kinh doanh thương mại điện tử thông qua quy trình đăng ký gian hàng và đưa sản phẩm lên sàn.

Đặc biệt, với khu vực miền Nam - một trong những “vựa nông sản” lớn nhất cả nước, Bưu điện Việt Nam sẽ là một đơn vị chủ lực để hỗ trợ người dân các tỉnh tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn.

Việc tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử không chỉ giúp người nông dân phát triển kinh tế trong điều kiện dịch bệnh, hạn chế giao thương, về lâu dài, đây là một kênh tiêu thụ nông sản an toàn, hiệu quả, bền vững, vừa đảm bảo giá cả, giúp gây dựng thương hiệu cho người nông dân và hàng nông sản Việt Nam.

[Đồng Tháp hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử]

Thực tế cho thấy, trong đợt giãn cách xã hội tại 19 tỉnh, thành phố miền Nam, việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho thị trường, đặc biệt là các loại rau củ và trái cây gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong khâu vận chuyển.

Nhiều loại nông sản, trái cây đang vào vụ thu hoạch cần hỗ trợ tiêu thụ gấp. Điển hình như trái thanh long bình quân mỗi tháng cung ứng ra thị trường khoảng 48.000 tấn; chuối 41.000 tấn/tháng; sầu riêng 25.000 tấn/tháng; nhãn 20.000 tấn/tháng; rau củ các loại khoảng 560-600 tấn/tháng.

Với kinh nghiệm thực tế triển khai hỗ trợ người dân 2 tỉnh Hải Dương và Bắc Giang tiêu thụ hàng ngàn tấn vải thiều, Bưu điện Việt Nam đã nhanh chóng lên kế hoạch triển khai kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản khu vực miền Nam trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn bằng quy trình vận hành hợp lý và hiệu quả.

Thời gian tới, để giải quyết “bài toán” hỗ trợ tiêu thụ nông sản, trái cây miền Nam, Bưu điện Việt Nam sẽ tập trung xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm có sản lượng lớn và đã có “tiếng” trên thị trường như nhãn Đồng Tháp, An Giang, khoai lang tím Vĩnh Long, sầu riêng Đắk Lắk, na Tây Ninh... với tổng sản lượng lên tới hàng chục nghìn tấn.

Ông Phan Trọng Lê, Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển thương hiệu, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, các mặt hàng đưa lên sàn Postmart.vn là những đặc sản nổi tiếng hoặc sản phẩm chất lượng cao từ các hộ sản xuất nông nghiệp uy tín do đơn vị trực tiếp tìm kiếm, khảo sát và lựa chọn.

Thông qua sàn, các sản phẩm của địa phương không chỉ có thêm kênh tiêu thụ hiệu quả, tiếp cận đa dạng các đối tượng người tiêu dùng trên cả nước, mà còn có thể tạo được thương hiệu riêng, khẳng định chất lượng, góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm.

Sàn thương mại điện tử Postmart.vn có nhiều hình thức hướng dẫn linh hoạt cho người nông dân đưa sản phẩm lên sàn như: livestream, họp nhóm, gửi hướng dẫn dạng hình ảnh hoặc video...

Do vậy, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, người nông dân vẫn có thể tự tạo gian hàng và đăng bán các sản phẩm, nông sản thông qua thương mại điện tử.

Với đặc thù của các mặt hàng rau củ, trái cây là thời gian thu hoạch và sử dụng ngắn, việc bảo quản khó, nên Bưu điện Việt Nam cũng đã chuẩn bị các phương án đóng gói, bảo quản, vận chuyển để bảo đảm độ tươi, ngon khi đến tay người tiêu dùng.

Các kịch bản vận chuyển cho từng khu vực trên cả nước cũng được Bưu điện Việt Nam lên kế hoạch cụ thể, sẵn sàng kích hoạt bất cứ lúc nào tùy theo tình hình và diễn biến của dịch bệnh.

Bên cạnh việc đưa sản phẩm lên sàn Postmart.vn để tiếp cận tối đa người tiêu dùng toàn quốc, Bưu điện Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh việc tiêu thụ theo phương thức truyền thống, phân phối và bán nông sản tại các bưu cục, các điểm bán hàng thiết yếu, bình ổn giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục