Xây dựng và phát triển sinh vật cảnh thành một ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao, góp phần đổi mới cơ cấu kinh tế nông nghiệp và lao động nông thôn. Phát triển tổ chức Hội gắn với xã hội hóa hoạt động kinh tế nông nghiệp nông thôn nhằm tạo thêm việc làm và thu nhập, xóa đói giảm nghèo, gìn giữ tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái.
Đó là nội dung trọng tâm được đưa ra tại Hội thảo phát triển sinh vật cảnh với nông nghiệp, nông thôn và đô thị sinh thái, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Hội sinh vật cảnh Việt Nam đồng chủ trì vừa diễn ra ngày hôm nay (3/12), tại Hà Nội.
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Đỗ Phượng, Chủ tịch Trung ương Hội sinh vật cảnh Việt Nam đánh giá, vai trò của sinh vật cảnh trong đời sống xã hội không đơn thuần là chơi hoa thưởng ngoạn mà còn thể hiện nét đẹp văn hóa dân tộc, xây dựng cảnh quang môi trường và tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, mang lại giá trị kinh tế cao.
Ông Phượng cho biết, đến nay, Hội sinh vật cảnh Việt Nam đã có bước phát triển lớn mạnh với 300.000 hội viên, 5.320 chi hội, 5.500 doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và hơn 110.000 gia trại, nhà vườn sinh vật cảnh, giải quyết việc làm thường xuyên cho 1,5 triệu lao động và trên 2 triệu lao động thời vụ góp phần hình thành trên cả nước hàng chục hécta chuyên canh hoa cây cảnh, hình thành những vùng sản xuất hoa cây cảnh hàng hóa tập trung sử dụng công nghệ cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi.
"Sinh vật cảnh, cụ thể là hoa và cây cảnh đã trở thành một ngành hàng được ưu tiên phát triển trong quá trình tái cấu trúc ngành nông nghiệp. Ở nhiều địa phương trong cả nước, sinh vật cảnh trở thành nhân tố mới thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh," ông Phượng nhấn mạnh.
Ông Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Rau quả cũng cho biết, cùng với sự phát triển của các ngành kinh tế, cuộc sống của người dân được cải thiện, nhu cầu tiêu dùng hoa, cây cảnh cũng tăng lên nhanh chóng. Sự phát triển sản xuất hoa, cây cảnh nói riêng và các sản phẩm sinh vật cảnh nói chung đã giải quyết việc làm cho hàng vạn hộ gia đình, đóng góp không nhỏ vào GDP của ngành nông nghiệp, từ đó góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng và xây dựng nông thôn mới, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp.
Phó Viện trưởng Đặng Văn Đông cũng chỉ ra rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng trong phát triển sinh vật cảnh. Theo kết quả điều tra khảo sát của Trung tâm nghiên cứu và phát triển hoa-cây cảnh, trung bình một năm người Việt Nam chi xấp xỉ 30.000 đồng tiền mua hoa cây cảnh để chơi. Nếu tính về số lượng cành hoa/đầu người thì Việt Nam vào loại nhất.
Ngoài yếu tố thị trường, Việt Nam còn là nước có nhiều địa hình khác nhau với nhiều loại khí hậu, do vậy, có nhiều điều kiện để phát triển nhiều các chủng loại hoa, cây cảnh đa dạng về màu sắc, hình dáng, đáp ứng được nhu cầu quanh năm của người dân.
Mặt khác, nguồn lao động dồi dào, sáng tạo; trợ giúp của công nghệ và khoa học kỹ thuật,…là những điều kiện quan trọng tạo đều kiện cho phát triển sinh vật cảnh của Việt Nam.
Cũng theo Phó Viện trưởng Đặng Văn Đông, nhằm phát triển một số chủng loại hoa, cây cảnh có giá trị cao, trong thời gian tới cần chú trọng đến nhiều công tác thiết thực. Cụ thể, trước khi quyết định đầu tư, người sản xuất cần nắm bắt những thông tin về nhu cầu thị trường, thực trạng sản xuất, cung ứng của các doanh nghiệp, mức độ thiếu hụt, giá thành sản xuất. Thông qua đó xây dựng phương án kinh tế, dự tính hiệu quả sản xuất và mức độ rủi ro.
Trong khuôn khổ hội thảo, Hội nghị tôn vinh nghệ nhân, chủ nhà vườn, sinh vật cảnh Việt Nam tiêu biểu năm 2015 cũng đã diễn ra, với việc vinh danh 167 nghệ nhân, chủ nhà vườn./.