Đưa sản phẩm Việt Nam đến với người tiêu dùng Singapore

Thương vụ Việt Nam tại Singapore có rất nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường, hướng dẫn các doanh nghiệp khai thác cơ hội xuất khẩu, khuyến cáo trong giao dịch với đối tác.
Người dân di chuyển tại Vịnh Marina, Singapore. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hàng Việt Nam xâm nhập thị trường Singapore có nhiều yếu tố thuận lợi nhưng cũng đối mặt nhiều khó khăn để đến được với người tiêu dùng sở tại.

Đây là nhận định của ông Cao Xuân Thắng, Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore, trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Singapore.

Theo ông Cao Xuân Thắng, Singapore là một thị trường trung chuyển của thế giới, độ mở rất cao với tổng kim ngạch thương mại năm ngoái lên đến gần 1.200 tỷ đôla Singapore, gấp đôi GDP của nước này.

Cơ cấu chủ yếu của nền kinh tế Singapore là dịch vụ (chiếm tới 70% GDP), gần như không có nông nghiệp, công nghiệp chủ yếu tập trung vào các ngành điện tử, cơ khí chính xác và chuỗi sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như giải pháp công nghệ, sáng tạo… Tiêu dùng của Singapore gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.

[Infographics] Hợp tác thương mại song phương Việt Nam-Singapore  

Singapore không có bất kỳ hạn chế hay hàng rào thuế quan và phi thuế quan nào đối với các mặt hàng nhập khẩu, trừ các quy định bắt buộc về tiêu chuẩn chất lượng của các tổ chức quốc tế (OIE, CODEX).

Ông Cao Xuân Thắng đánh giá Việt Nam có lợi thế là một quốc gia sản xuất ra nhiều sản phẩm, vị trí địa lý không xa Singapore; cùng là quốc gia thành viên của các hiệp định thương mại tự do lớn như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Việt Nam và Singapore cũng là hai quốc gia duy nhất trong khu vực có các hiệp định thương mại toàn diện với châu Âu và Vương quốc Anh. Đây là những thuận lợi cho quan hệ xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore.

Bên cạnh đó, ông Cao Xuân Thắng cho rằng cũng có không ít khó khăn thách thức.

Thứ nhất, thị trường Singapore có dân số ít, thu nhập bình quân đầu người rất cao, là thị trường mở, tính cạnh tranh cao, rất khó tính, đòi hỏi chất lượng hàng hóa tốt và ổn định. Việc xúc tiến để đưa hàng hóa (đặc biệt là mặt hàng nông sản, thực phẩm) vào thị trường đã khó, việc duy trì được còn khó hơn. Một số mặt hàng được Thương vụ hỗ trợ năm trước đã đưa được vào siêu thị lớn, năm sau lại không vào được nữa do không duy trì được chất lượng đáp ứng yêu cầu của sở tại.

Thứ hai, một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam có khả năng đáp ứng được yêu cầu về chất lượng mẫu mã, nhưng lại yêu cầu lượng đặt hàng lớn, mà sức tiêu thụ của Singapore thì không cao, nên cũng khó khăn trong hợp tác.

Thứ ba, doanh nghiệp Singapore ưu tiên làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất, nhất là sản xuất gia công sản phẩm theo nhãn mác của bạn. Nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn bán hàng theo nhãn hiệu Việt thì phải tự trả các chi phí marketing cao, nên không nhiều doanh nghiệp đáp ứng được.

Ông Cao Xuân Thắng cho biết trong những năm qua, Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã có rất nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường, cụ thể là cập nhật cơ chế chính sách và tình hình xuất nhập khẩu của Singapore; hướng dẫn các doanh nghiệp khai thác cơ hội xuất khẩu, khuyến cáo trong giao dịch với đối tác Singapore.

Đồng thời, hỗ trợ trưng bày sản phẩm, gửi sản phẩm mẫu và thông tin doanh nghiệp Việt Nam tới các đối tác Singapore; tổ chức tham gia các hội chợ triển lãm, thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp kết nối trực tiếp doanh nghiệp với các đối tác đầu mối tại Singapore...

Năm 2021, thời gian giãn cách do dịch COVID-19, Thương vụ đã có sáng kiến tổ chức Hội chợ triển lãm Hybrid, vừa trưng bày sản phẩm trực tiếp cho các đối tác Singapore đến tham quan trực tiếp, vừa thực hiện kết nối trực tuyến cho các doanh nghiệp. Sau hội chợ, nhiều sản phẩm Việt Nam đã đưa được vào siêu thị tại Singapore.

Từ đầu năm 2022 đến nay, ngay sau khi Singapore bắt đầu mở cửa, Thương vụ đã phối hợp cùng Vụ thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương, đồng chủ trì với Phòng Công nghiệp và Thương mại Hoa-Sing tổ chức hội thảo trực tuyến, cập nhật thông tin toàn cảnh Việt Nam, cập nhật chính sách và khuynh hướng, đáp ứng nhu cầu quan tâm của gần 400 doanh nghiệp Singapore về thị trường và sản phẩm của Việt Nam.

Sau hội thảo, rất nhiều đoàn doanh nghiệp/cơ quan nhà nước Singapore đã sang Việt Nam để tìm hiểu cơ hội kết nối giao thương.

Thương vụ cũng đã phối hợp với các địa phương, đơn vị để quảng bá sản phẩm vào thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sang kết nối trực tiếp với đối tác Singapore; hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tranh chấp và xác minh doanh nghiệp tại địa bàn...

Trong những tháng tới đây, Thương vụ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm tại địa bàn, duy trì quan hệ tốt với các đối tác Singapore và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam gửi mẫu tới các đối tác, tổ chức hội nghị trực tuyến giới thiệu cách tiếp cận thị trường thông qua một số sàn giao dịch thương mại điện tử, tổ chức đoàn doanh nghiệp của Singapore về Việt Nam tham gia hội chợ triển lãm và kết nối với các doanh nghiệp tại Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục