Đưa ra khung pháp lý đủ mạnh để ngăn chặn chuyển giá ở Việt Nam

Cần đưa ra khung pháp lý đủ mạnh để ngăn chặn chuyển giá ở Việt Nam là vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Trong điều kiện Việt Nam hội nhập, các hoạt động thương mại, đầu tư quốc tế ngày càng có vai trò quan trọng, cùng với chính sách ưu đãi về thuế để thu hút đầu tư đã nảy sinh rủi ro về xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận. Cần đưa ra khung pháp lý đủ mạnh để ngăn chặn chuyển giá ở Việt Nam.

Đây là vấn đề nhiều đại biểu quan tâm khi thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), chiều 15/11.

Chống chuyển giá và xói mòn nguồn thu

Quan tâm tới việc đưa ra khung pháp lý đủ mạnh để ngăn chặn chuyển giá ở Việt Nam, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) cho rằng hiện chuyển giá không chỉ xuất hiện ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mà ngay doanh nghiệp trong nước cũng có tình trạng này.

Ví dụ được đại biểu đưa ra là những năm qua có khoảng 50% doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kê khai lỗ, nhiều doanh nghiệp thua lỗ nhiều năm liên tục, như tại Thành phố Hồ Chí Minh, khoảng 60% doanh nghiệp FDI thua lỗ, Bình Dương cũng có 50% doanh nghiệp FDI báo lỗ từ 2006-2011.

"Thua lỗ triền miên, song, các doanh nghiệp FDI vẫn tập trung vào mở rộng sản xuất kinh doanh," đại biểu nêu thực tế.

Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Quản lý thuế chỉ ra rằng trong các năm 2015-2016, cơ quan thuế kiểm tra, thanh tra 965 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, truy thu, truy hoàn phạt 9.295 tỷ đồng, giảm lỗ 7.491 tỷ đồng; giảm khấu trừ 286 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 4.743 tỷ đồng. Nhưng kết quả trên chỉ là một góc của bức tranh thực trạng trốn thuế của doanh nghiệp.

Có tình trạng này là do hành lang pháp lý ở Việt Nam về chống chuyển giá vẫn thiếu đồng bộ, nhiều lỗ hổng, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân nêu rõ.

Theo đại biểu, nếu các quy định về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết được kết cấu rải rác tại các chương như tại dự thảo Luật thì chưa thể hiện được sự kiên quyết, đủ mạnh, khó ngăn chặn trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Quy định này cần được kết cấu thành một chương, không giao Chính phủ quy định như dự thảo. Với cơ sở pháp lý rõ ràng, việc chống chuyển giá sẽ đạt yêu cầu đặt ra.

Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo có báo cáo đầy đủ về tình trạng chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp và kết quả chống chuyển giá của các cơ quan thuế, gửi Quốc hội, để đại biểu có cơ sở thảo luận, tham gia ý kiến ở kỳ họp sau.

Còn theo đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng), cần nghiên cứu thêm nội dung về áp dụng nguyên tắc giao dịch độc lập trong quản lý thuế đối với các phát sinh giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết nhằm chống chuyển giá và xói mòn nguồn thu từ các doanh nghiệp đa quốc gia.

Đảm bảo bí mật thông tin khách hàng

Liên quan đến đảm bảo bí mật thông tin khách hàng, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) thống nhất với quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ tham gia trong hoạt động quản lý thuế.

Song, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc quy định ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng và người nộp thuế ở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế, bao gồm thông tin về mã tài khoản, số tài khoản cùng với mã số thuế của người nộp thuế, đồng thời cung cấp thông tin của người nộp thuế theo yêu cầu, gồm thông tin giao dịch qua tài khoản, số tài khoản của người nộp thuế.

[Hoàn thiện thể chế quản lý thuế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh]

Quy định như trên là chưa phù hợp vì yêu cầu đảm bảo bí mật thông tin khách hàng là nguyên tắc bảo mật thông tin của ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản tiền gửi, tài sản gửi của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật phải được sự chấp thuận của khách hàng, đại biểu Phạm Thị Thu Trang phân tích.

Đại biểu cho rằng cần có sự hài hòa giữa hai quy định này để không ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động của ngân hàng, để tránh lạm dụng trong việc yêu cầu cung cấp thông tin, dẫn đến ngân hàng vi phạm pháp luật.

Đại biểu Trang đề nghị Ban soạn thảo cũng cần nghiên cứu quy định rõ trường hợp cung cấp thông tin, thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin và đặc biệt phải quy định chặt chẽ việc khấu trừ tiền trong tài khoản để nộp thuế, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của người nộp thuế.

Về vấn đề này, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho rằng dự thảo Luật đã quy định rất cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn các bộ, cơ quan trong quản lý thuế, thể hiện sự phối kết hợp giữa các cơ quan, ngành trong thu thuế. Thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã cung cấp các thông tin tài khoản doanh nghiệp, cá nhân nộp thuế cho cơ quan thuế khi có yêu cầu. Song một cá nhân có nhiều tài khoản khác nhau, nếu không kiểm soát chặt chẽ các tài khoản này có thể dẫn tới thất thu thuế. Ngân hàng với xu thế cạnh tranh để đảm bảo nguồn khách hàng nhiều khi cũng không cung cấp thông tin cho cơ quan thuế.

Bà Thơ đề nghị cần có sự chỉ đạo, vào cuộc phối hợp chính quyền các cấp, ngành hỗ trợ cơ quan thuế thu được thuế cao nhất.

Thu hẹp nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của kiểm toán là chưa thận trọng

Thảo luận về dự án luật, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nhắc lại phát biểu của Tổng Kiểm toán Nhà nước tại hội trường trước đó về việc trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Kiểm toán Nhà nước bị đẩy ra ngoài, đại biểu đặt vấn đề “tôi không hiểu vì sao ở dự thảo chính thức lại thu hẹp quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan Kiểm toán Nhà nước như vậy, như là bị “đẩy ra." Thu hẹp nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của kiểm toán như vậy là chưa thận trọng, chưa toàn diện cả về cơ sở pháp lý và thực tiễn."

Trong bối cảnh thuế khoán còn chưa siết chặt để chống thất thu, tồn tại hạn chế trong quản lý thuế còn chưa được khắc phục, vấn đề chuyển giá của doanh nghiệp FDI còn kéo dài và ngày càng trầm trọng, bất cập trong công tác cổ phần hóa chưa được khắc phục, cho thấy bất cập trong các cơ quan chức trách khi thực hiện nhiệm vụ.

Nêu thực tế cơ quan thuế mới thanh tra được 18% doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế, đồng nghĩa với 82% còn lại vẫn khoảng trắng chưa được kiểm tra phát hiện; điều lẽ ra cần phải làm là rà soát, bổ sung các cách thức để siết chặt các lỗ hổng, thay vì hạn chế, thu hẹp các chủ thể có chức năng thanh tra, kiểm toán, làm trong sạch môi trường quản lý thuế, đại biểu cho rằng Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước, chống thất thu.

“Việc xây dựng dự thảo như trên của Bộ Tài chính là cố tình tự mang trên mình một gánh nặng hay có lý do khác," đại biểu hỏi.

Giải trình trước Quốc hội cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải thích, cơ quan quản lý thu thời gian qua đã chấp hành rất nghiêm túc các kết luận của cơ quan thanh tra và kiểm toán nhà nước. Cơ chế hiện nay là doanh nghiệp tự tính, tự khai nộp, quản lý rủi ro.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé phát biểu ý kiến. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Hằng năm, cơ quan thuế kiểm tra 18-20% số lượng doanh nghiệp nhưng trên cơ sở phân tích, đánh giá các tiêu chí về rủi ro, lập ra hàng rào để kiểm tra. Tương tự, khi cơ quan kiểm toán nhà nước kiểm toán, cơ quan thuế có đối chiếu với các doanh nghiệp thì cũng phát sinh thêm số tăng thu cho ngân sách và cũng trên cơ sở các dữ liệu phân tích rủi ro.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có những kết luận cơ quan thuế chấp hành rất nghiêm túc, thông báo cho người nộp thuế nộp thêm nhưng người nộp thuế thấy chưa thỏa đáng và đã kiện lại.

“Cơ quan thuế là người ra quyết định thì phải xử lý. Họ không đồng ý, họ kiện lên cấp trên của cơ quan quản lý thuế là Bộ Tài chính xử lý. Nếu không chấp hành nữa thì chúng ta đưa ra tòa. Chúng tôi đề nghị ở đây, ai kết luận thì người đó phải chịu trách nhiệm giải trình trước tòa. Vấn đề này chúng tôi xin tiếp tục rà soát và tiếp thu theo hướng làm sao đảm bảo quy định đúng Hiến pháp và quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật Thanh tra, Kiểm toán, tạo thuận lợi cho công tác thanh tra theo đúng trình tự pháp luật, tránh chồng chéo, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức bộ máy nhà nước, đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế cũng như đảm bảo cơ sở pháp lý cho cơ quan quản lý thuế thực hiện đúng pháp luật của quản lý thuế và pháp luật có liên quan," Bộ trưởng nói.

Tranh luận lại ngay sau đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định “Bộ trưởng có nói kiểm toán thực hiện đối chiếu sai nên các đối tượng nộp thuế kiện, liên luỵ đến cơ quan thuế. Tôi làm Tổng Kiểm toán gần 3 năm và chưa có trường hợp nào từ kết luận của Kiểm toán Nhà nước để liên lụy đến cơ quan thuế."

Theo ông, việc cơ quan thuế để sót, lọt nguồn thu là hết sức lớn. Ông đưa ra ví dụ, đối chiếu các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, 2 năm vừa qua thất thu thuế 94% so với số đối chiếu. Kiểm tra dữ liệu về rủi ro thì chính việc chọn rủi ro không chính xác nên nhiều doanh nghiệp sau khi nằm trong dạng rủi ro nhưng không thu được thêm thuế, có nghĩa việc chọn rủi ro không chính xác.

“Riêng kiểm toán hoàn thuế VAT năm 2017, ngành thuế hoàn thuế sai là 1.496 tỷ đồng. Kiểm toán việc ưu đãi đầu tư tại khu chế xuất ở Thành phố Hồ Chí Minh, những khoản kiểm toán xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để thực hiện chính sách thu hút đầu tư thì bỏ ra, nhưng cũng đã kiến nghị truy thu 1.749,5 tỷ đồng...," Tổng Kiểm toán Nhà nước cho hay.

Ông nêu rõ Kiểm toán Nhà nước nỗ lực kết sức mình khi được Quốc hội giao kiểm toán về hoạt động của cơ quan thuế, không chỉ tài chính công, tài sản công mà kể cả hoạt động của cơ quan thuế trong vấn đề thoái thu thuế và chịu trách nhiệm về kết luận của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục