Chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đến Cộng hòa Ireland trong 2 ngày 28-29/2 đánh dấu giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hai nước, đưa quan hệ song phương đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, giáo dục đào tạo và giao lưu nhân dân.
Đây là đánh giá của Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh kiêm nhiệm Cộng hòa Ireland Nguyễn Hoàng Long khi trao đổi với phóng viên TTXVN tại Anh.
Đại sứ Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đến Cộng hòa Ireland, theo lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Ireland Micheal Martin diễn ra ngay sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, là chuyến thăm quan trọng, có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Ireland.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam tới Ireland sau 20 năm kể từ chuyến thăm của Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên.
Về những hoạt động chính trong chuyến thăm, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ có cuộc hội đàm quan trọng với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Ireland Micheál Martin; chào xã giao Tổng thống Michael D. Higgins và Chủ tịch Hạ viện Ireland Seán Ó Fearghaíl.
Hai bên dự kiến sẽ trao đổi nhiều vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương cũng như những vấn đề khu vực và quốc tế nổi bật, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn góp phần đẩy mạnh tin cậy chính trị và thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao hai nước, trước mắt là chuẩn bị cho chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến Ireland; làm sâu sắc hợp tác kinh tế thương mại, vận động Ireland sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVIPA) và ủng hộ Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU (chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) cho Việt Nam; thu hút đầu tư chất lượng cao từ Ireland; tăng cường hợp tác về quốc phòng-an ninh, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, và nông nghiệp.
Ngoài ra, hai bên sẽ trao đổi về tăng cường hợp tác tại các diễn đàn đa phương, phối hợp chặt chẽ trong giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Việt Nam hiện là nước duy nhất trong khu vực được Ireland đưa vào chương trình hợp tác phát triển quốc tế Irish Aid nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực như hành động vì khí hậu, bình đẳng giới, khắc phục hậu quả bom mìn, cộng đồng người dân tộc thiểu số, giáo dục, giao lưu nhân dân…
Chuyến thăm cũng góp phần thúc đẩy vai trò cầu nối của Việt Nam và Ireland tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU). Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng sẽ có cuộc gặp với đại diện bà con kiều bào, sinh viên và trí thức Việt Nam tại Ireland.
Đánh giá về quan hệ hợp tác hiện nay giữa Việt Nam và Ireland, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long cho biết hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư giữa Việt Nam và Ireland trong thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực.
Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt 3,5 tỷ USD, với giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Ireland đạt hơn 340 triệu USD. Đến nay, Ireland có 41 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 44,32 triệu USD, đứng thứ 61/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Hai nước đang thực hiện một số dự án lớn như hợp tác giữa tập đoàn Phú Cường, công ty Mainstream Renewable Power và công ty General Electric Việt Nam về dự án điện gió công suất 800MW tại Sóc Trăng, trị giá 2 tỷ USD; hợp tác giữa công ty Thái Bình Dương và công ty Mainstream Renewable Power về các dự án điện gió tại Bình Thuận; hợp tác giữa tập đoàn FPT, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Tập đoàn Escher về dự án “Thiết kế, cung cấp và triển khai hệ thống phần mềm bưu chính MPITS,” trị giá 10 triệu USD...
Trong thời gian tới, Ireland sẽ tiếp tục tăng cường xúc tiến các dự án đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực Ireland có thế mạnh và Việt Nam có nhiều tiềm năng như công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường trao đổi chuyên môn về thu hút FDI, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD); các lĩnh vực trọng tâm tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia…
Theo Đại sứ Nguyễn Hoàng Long, giáo dục-đào tạo có vị trí quan trọng, là điểm sáng trong quan hệ hợp tác song phương. Ireland có nền giáo dục tiên tiến với những trường đại học lớn và có uy tín thế giới.
Là nước nói tiếng Anh duy nhất trong EU, Ireland có lợi thế lớn trong thu hút sinh viên quốc tế, trong đó có sinh viên Việt Nam.
Việt Nam và Ireland đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục đại học và Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực đào tạo công nghệ thông tin và truyền thông (11/2016).
Từ năm 2009, Chính phủ Ireland dành cho Việt Nam Chương trình học bổng toàn phần Chia sẻ Kinh nghiệm phát triển Ireland-Việt Nam (IDEAS).
Đến nay, đã có khoảng 200 lượt sinh viên Việt Nam được nhận học bổng học Thạc sỹ tại Ireland. Số lượng sinh viên Việt Nam sang Ireland học theo diện tự túc cũng ngày càng tăng.
Chương trình trao đổi giáo dục song phương Việt Nam-Ireland (VIBE) thu hút 15 trường đại học trên khắp cả nước, được triển khai hiệu quả, qua đó thúc đẩy liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Hợp tác trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, dược phẩm, phát triển bền vững và công nghệ thông tin cũng là những thế mạnh được hai nước tích cực khai thác, đặc biệt là nông nghiệp và chế biến thực phẩm, những lĩnh vực nằm trong khuôn khổ hợp tác Chương trình Chia sẻ kinh nghiệm phát triển Ireland giữa các cơ quan Việt Nam và các đối tác Ireland.
Trong giai đoạn 2023-2027, Ireland sẽ tiếp tục ưu tiên tài trợ các lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, dược phẩm, giáo dục, chú trọng thúc đẩy thương mại song phương trên cơ sở tận dụng các cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Có thể nói, hợp tác thương mại, đầu tư, khoa học-công nghệ và các lĩnh vực thế mạnh khác giữa Việt Nam và Ireland vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với mối quan hệ chính trị cũng như tiềm năng hợp tác rất lớn giữa hai nước.
Trong thời gian tới, hai bên cần tăng cường hơn nữa trao đổi đoàn các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, tăng cường chia sẻ thông tin, từ đó khai thác tốt hơn tiềm năng và lợi thế của từng nước nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương.
Liên quan đến Chiến lược “Ireland toàn cầu: Triển khai hoạt động ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đến năm 2025” (Global Ireland: Delivering in the Asia Pacific region to 2025) được Ireland đưa ra vào tháng 1/2020, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long cho biết Ireland coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và trong ASEAN nói riêng.
Việt Nam hiện là nước duy nhất trong khu vực được Ireland đưa vào chương trình hợp tác phát triển quốc tế Irish Aid nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực như hành động vì khí hậu, bình đẳng giới, khắc phục hậu quả bom mìn, cộng đồng người dân tộc thiểu số, giáo dục, giao lưu nhân dân…
Chiến lược trên cho thấy tham vọng và cam kết của Ireland trong việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương năng động.
Việc Ireland cập nhật chiến lược này vào tháng 10/2023, trong đó khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN, tiếp tục thể hiện sự nhất quán và quan tâm sâu sắc của Ireland đối với khu vực. Ireland cho biết việc triển khai chiến lược sẽ bao gồm tăng cường quan hệ với ASEAN và nước các thành viên, trong đó có Việt Nam, thông qua ngoại giao và trao đổi song phương và đa phương một cách hiệu quả.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh hợp tác hơn nữa, đặc biệt là các lĩnh vực tiềm năng, hai nước cần tăng cường trao đổi đoàn, đặc biệt là đoàn cấp cao; tích cực tận dụng tốt các khuôn khổ hợp tác hiện có trên cả góc độ song phương và đa phương (với tư cách là thành viên EU, ASEAN và các tổ chức quốc tế khác); hợp tác giải quyết một số vấn đề còn tồn tại như việc Ireland phê chuẩn EVIPA và vận động EU gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU.
Bên cạnh đó, việc thành lập Đại sứ quán Việt Nam tại Ireland cũng đang được đưa vào kế hoạch thảo luận và triển khai trong tương lai gần.
Việt Nam và Ireland là hai dân tộc có nhiều điểm tương đồng về lịch sử đấu tranh giành độc lập, nền văn hóa đa dạng, độc đáo, cũng như nét tính cách vừa quật cường vừa cởi mở nhân hậu của người dân hai nước. Đây là điểm quan trọng để hai nước tiếp tục gắn kết, hợp tác và hỗ trợ cùng phát triển.
Đánh giá về sự phát triển của cộng đồng người Việt tại Ireland và những đóng góp của cộng đồng cho sở tại và đất nước, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long cho biết cộng đồng người Việt tại Ireland đến nay có những bước phát triển lớn mạnh cùng với những đóng góp và thành công nhất định ở sở tại.
Được hình thành từ khoảng cuối những năm 1970 với khoảng hơn 200 người, đến nay, số người Việt sinh sống, làm việc và học tập tại Ireland lên đến khoảng gần 6.000 người, phần lớn sống tại thủ đô Dublin. Nhìn chung, cộng đồng người Việt tại Ireland có cuộc sống ổn định và luôn hướng về quê hương, đất nước.
Tháng 9/2023, Ban chấp hành lâm thời và Ban cố vấn Hội sinh viên Việt Nam tại Ireland đã chính thức ra mắt, hoạt động trên cơ sở định hướng của Trung ương Hội sinh viên Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Anh.
Tại Ireland cũng hình thành mạng lưới trí thức, trực thuộc Hội trí thức Việt Nam tại Anh và Ireland, với các giáo sư, phó giáo sư, giảng viên cao cấp, nghiên cứu sinh Việt Nam đang công tác và giảng dạy tại các trường đại học có uy tín như University College Dublin, Technological University Dublin, Trinity College Dublin, Dublin City University...
Điều này cho thấy cộng đồng người Việt Nam tại Ireland ngày càng có uy tín đối với chính quyền và người dân sở tại, là cầu nối quan trọng, đóng góp thiết thực vào mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước./.