Đưa quan hệ thương mại Việt Nam-Australia vươn lên tầm cao

Kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1973 đến nay, kinh tế-thương mại Việt-Australia tiếp tục là một điểm sáng nổi bật trong quan hệ hợp tác và được thể hiện qua những con số ấn tượng.
Đưa quan hệ thương mại Việt Nam-Australia vươn lên tầm cao ảnh 1Sản xuất các đơn hàng xuất khẩu. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1973 đến nay, cùng với sự phát triển trong lĩnh vực chính trị, kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Australia tiếp tục là một điểm sáng nổi bật trong quan hệ hợp tác và được thể hiện qua những con số hết sức ấn tượng.

Đặc biệt, chuyến thăm chính thức Australia lần đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc càng có ý nghĩa hơn khi hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 20 năm thiết lập quan hệ quốc phòng, tám năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện và hai năm thực hiện Đối tác Toàn diện tăng cường.

Bên cạnh đó, chuyến thăm còn diễn ra ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ASEAN-Australia. Điều này thể hiện quan hệ hai nước đã vượt ra ngoài khuôn khổ song phương và tạo cơ sở vững chắc để phát triển lên tầng nấc mới, góp phần củng cố vị thế của mỗi nước tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.


Đối tác chiến lược

Thống kê từ Bộ Công thương cho thấy, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Australia đã tăng hơn 200 lần trong gần ba thập kỷ qua, từ 32,3 triệu USD năm 1990 lên 6,46 tỷ USD năm 2017.

Riêng hai tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Australia đạt xấp xỉ 590 triệu USD, tăng mạnh gần 46,8% so với cùng kỳ 2017, tương đương con số khoảng 188 triệu USD.

Ngược lại, tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu đạt gần 443 triệu USD, tăng 16,8% so với hai tháng đầu năm ngoái.

Theo đó, đến hết tháng ​Hai vừa qua, Việt Nam đang xuất siêu 147 triệu USD sang thị trường quan trọng này.

Theo các chuyên gia Bộ Công Thương, trong quan hệ thương mại với Australia, Việt Nam luôn đạt được thặng dư nhưng con số xuất siêu đang có chiều hướng giảm dần.

Nếu các năm 2013 và 2014, thặng dư của Việt Nam tương ứng là 1,76 tỷ USD và 1,84 tỷ USD, các năm 2015 và 2016 mức thặng dư giảm mạnh xuống chỉ còn lần lượt 816 triệu USD và 403 triệu USD.

Đặc biệt, năm 2017 Việt Nam chỉ còn thặng dư 116 triệu USD trong trao đổi thương mại với Australia, mức thấp nhất được ghi nhận trong năm năm qua.

[Dấu mốc quan trọng góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam]

Các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu là các nhóm hàng máy móc phụ tùng, thiết bị điện tử, điện thoại, linh kiện điện tử, dầu thô, giày dép, dệt may và thủy sản….

Ngược lại, hàng hóa nhập khẩu chủ yếu từ Australia trong năm 2017 gồm kim loại thường loại khác (theo phân nhóm), than đá, lúa mỳ, bông.

Mới đây, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Australia đã có buổi làm việc với ​Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu để tìm hiểu về chuỗi sản xuất tôm xuất khẩu.

Tại buổi làm việc, đại diện phía Australia đánh giá cao việc Việt Nam quan tâm xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu tôm.

Theo đó, phía Australia sẽ kiểm tra, giám sát và nếu đạt đủ các điều kiện sẽ công nhận Việt Nam có vùng an toàn dịch bệnh đạt các tiêu chí của Australia.

Đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam có thể xuất khẩu tôm nguyên con vào thị trường Australia trong thời gian tới.

Nếu được cấp phép nhập khẩu, Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên được xuất khẩu tôm tươi nguyên con vào Australia.

Ngoài ra, đoàn cũng đã tổ chức đi thực tế thăm hai vùng trồng nhãn tại tỉnh Bến Tre và Hưng Yên để kiểm nghiệm quy trình trồng nhãn và đánh giá thực tế vùng trồng, sơ chế, đóng gói trái cây tại một số địa phương.

Tiếp theo trái vải, xoài và thanh long được xuất khẩu vào Australia, nhiều khả năng quả nhãn tươi của Việt Nam sẽ được cấp phép xuất khẩu sang Australia kể từ đầu năm 2019.

Các chuyên gia nhận định, đây là thông tin tốt cho ngành trái cây Việt Nam. Mặc dù Australia là một nước nông nghiệp nhưng trái cây Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này là trái mùa nên có khả năng tiêu thụ với giá cao.

Bà Nguyễn Hoàng Thúy, Đại diện thương mại Thương vụ Việt Nam tại thị trường Australia cho biết, liên tục trong ba năm gần đây, vải, xoài, thanh long đã chính thức được mở cửa nhập khẩu vào Australia và sắp tới, tôm tươi nguyên con nhiều khả năng sẽ là sản phẩm tiếp theo.

Đặc biệt, Tập đoàn SunRice - tập đoàn kinh doanh gạo lớn nhất Australia cũng đang nhập khẩu khoảng 50% gạo Japonica của Việt Nam.

"Dù hàng hóa vào Australia không mang lại giá trị kim ngạch cao nếu so sánh với những thị trường lớn của nước ta như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản… nhưng lại mang ý nghĩa đặc biệt bởi Australia được đánh giá là quốc gia có tiêu chuẩn cao nhất thế giới. Do đó, nếu hàng hóa vào được Australia sẽ có cơ hội rất cao vào được các quốc gia khác," bà Nguyễn Hoàng Thúy nhấn mạnh.

Tận dụng lợi thế

Theo lộ trình của Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), năm nay, Australia sẽ cắt giảm 90% dòng thuế nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN, New Zealand xuống 0% và năm 2020, 100% dòng thuế sẽ được cắt giảm xuống 0%. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Australia.

Có hiệu lực từ năm 2010 với cam kết cắt giảm thuế quan cao nhất lên đến 0%, Hiệp định AANZFTA được coi là động lực quan trọng, thúc đẩy thương mại đa phương giữa các quốc gia, đặc biệt, giữa Việt Nam với Australia và New Zealand.

Vụ Thị trường châu Á-châu Phi thuộc Bộ Công Thương cho biết, Hiệp định AANZFTA được ký ngày 27/2/2009, hiệu lực từ ngày 1/1/2010 có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa ASEAN và Australia, New Zealand.

Cụ thể, các nước thống nhất cắt giảm từ 90-100% tổng số các dòng thuế theo lộ trình từ năm 2010 đến năm 2020.

Đối với Việt Nam, Australia là những thị trường xuất khẩu của nhiều mặt hàng thế mạnh như nông sản, thủy sản, càphê, hạt điều, máy vi tính, điện thoại, sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép.... Đây cũng là các mặt hàng mà phần lớn thuế quan được cắt giảm về 0%.

Ngoài ra, sản phẩm nhập khẩu từ thị trường này cũng bảo đảm chất lượng, độ an toàn cao.

Tuy nhiên, người tiêu dùng Australia khá bảo thủ, rất hiểu biết và đánh giá cao hàng hóa sản xuất tại nội địa. Dù vậy, họ lại rất cởi mở đối với hàng hóa nhập khẩu, không quá coi trọng nguồn gốc xuất xứ, chỉ quan tâm tới yếu tố như chất lượng, kiểu dáng và giá cả.

Cách nhìn thoáng của người tiêu dùng sẽ là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Vì thế, nếu Việt Nam không tận dụng tốt cơ hội, AANZFTA sẽ chỉ có lợi cho nhà xuất khẩu Australia.

Đưa quan hệ thương mại Việt Nam-Australia vươn lên tầm cao ảnh 2 Khách hàng chọn mua thanh long Việt Nam tại chợ Footscray ở Melbourne. (Ảnh: Khánh Linh/TTXVN)

Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Quy tắc xuất xứ thuộc Cục Xuất Nhập khẩu của Bộ Công Thương nhấn mạnh, giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Australia hiện vẫn còn rất khiêm tốn, mới dừng ở mức 1,6% so với tổng giá trị xuất khẩu vào thị trường Australia, vì thế tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam sang Australia vẫn còn rất lớn.

Cơ hội để hàng Việt tiếp cận thị trường Australia là rất lớn nhưng yêu cầu cũng khắt khe. Hơn nữa, Hiệp định AANZFTA đang được triển khai, trong bối cảnh gia tăng hội nhập khu vực và toàn cầu sẽ giúp quan hệ thương mại Việt Nam-Australia phát triển mạnh hơn nữa.

Theo bà Hiền, doanh nghiệp cần đặt mình vào các tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và cạnh tranh được với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia khác.

Thương vụ Việt Nam tại Australia lưu ý, muốn trụ vững trên thị trường Australia, doanh nghiệp phải hướng đến một nền sản xuất sạch hơn. Chất lượng sản phẩm luôn là vấn đề đặt lên hàng đầu chứ không phải sản lượng và giá cả thấp. Do vậy, việc hình thành chuỗi liên kết rất cần thiết.

Hơn nữa, đây là thị trường ít dân nên yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa rất cao. Vì vậy, khá nhiều nhà bán lẻ ở Australia kinh doanh theo chính sách hoàn trả lại tiền hoặc đổi hàng nếu hàng hóa có vấn đề về chất lượng hoặc nếu người mua thay đổi ý định mua hàng.

Nhà nhập khẩu Australia lại không chấp nhận những sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng của họ. Đồng thời, họ giữ mối quan hệ lâu dài với các đối tác quen thuộc để đảm bảo việc kinh doanh được liên tục.

Đặc biệt các nhà nhập khẩu nước này không thích mặc cả. Họ sẵn sàng thương thảo một mức giá hợp lý nhưng không mặc cả để có mức giá giảm từ 20% trở lên. Nếu nhà cung cấp đưa ra mức giá không thực tế, nhà nhập khẩu Australia thường sẽ không xem xét đến đơn chào hàng.

Vì vậy, khi báo giá cho nhà nhập khẩu Australia, điều quan trọng nhất là đưa ra mức giá hợp lý nhất và thường phải thấp hơn mức giá chào cho người mua hàng tại Mỹ và châu Âu với tỷ lệ mặc cả không quá 3% đến 5%.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, với cơ cấu kinh tế bổ sung cho nhau, Hiệp định AANZFTA đang được triển khai và trong bối cảnh gia tăng hội nhập khu vực và toàn cầu.

Đặc biệt, qua đây quan hệ thương mại Việt Nam-Australia sẽ phát triển mạnh hơn nữa, tạo ra một bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự vươn lên tầm cao mới của quan hệ giữa hai nước và hướng tới mục tiêu quan hệ thương mại song phương đạt 10 tỷ USD trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục