Đưa khoảng 70 du khách "mắc kẹt" tại đảo Cô Tô về đất liền

Khoảng 70 khách du lịch bị "mắc kẹt" trên đảo Cô Tô từ ngày 22/6 do không mua được vé đã được bố trí vào ba chuyến tàu từ 6 giờ 30, 7 giờ và 8 giờ ngày 23/6 về đất liền.

Ông Phạm Đình Bắc, Giám đốc Công ty thương mại du lịch quốc tế Phúc Thịnh, cho biết khoảng 70 khách du lịch bị "mắc kẹt" trên đảo Cô Tô (Quảng Ninh) từ ngày 22/6 do không mua được vé vào đất liền đã được Công ty bố trí vào ba chuyến tàu từ 6 giờ 30, 7 giờ và 8 giờ ngày 23/6.

Ông Nguyễn Đức Thành, Bí thư-Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cô Tô, lý giải tình trạng ùn khách tại bến tàu vào ngày Chủ nhật là do khách du lịch đến Cô Tô rải rác các ngày trong tuần, đặc biệt lượng khách tăng cao từ thứ Năm, thứ Sáu, thứ Bảy và chọn ngày về dồn vào Chủ nhật, khiến các đơn vị vận tải không thể bố trí đủ phương tiện đáp ứng nhu cầu, dù đã cố gắng tăng chuyến gấp bốn lần so với bình thường.

Nếu khách du lịch đến Cô Tô vào các ngày trong tuần và cùng chọn một ngày về vào Chủ nhật thì tình trạng du khách bị “mắc kẹt” trên đảo sẽ tiếp tục tái diễn, ông Nguyễn Đức Thành khẳng định.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cô Tô đã yêu cầu các hãng tàu vận tải khi bán vé cho khách cần khuyến cáo nếu không mua được vé khứ hồi thì đừng nên ra đảo vào các ngày cuối tuần hoặc nếu đồng ý thì phải chấp nhận về muộn vào các ngày đầu của tuần sau. Ông Thành khẳng định tất cả số khách bị “mắc kẹt” trên đảo đều là khách không có vé khứ hồi, đa số họ cố tình ra đảo chơi và chấp nhận rủi ro không có vé về vào ngày Chủ nhật.

Trước tình trạng khách du lịch dồn ứ vì cùng chọn ngày về vào Chủ nhật, các doanh nghiệp vận tải, lực lượng cảng vụ đường thủy nội địa phải bố trí phương tiện, tổ chức phương tiện quay vòng nhiều chuyến để cố gắng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Ông Phạm Đình Bắc, Chủ hãng tàu Phúc Thịnh, lý giải Công ty của ông có hai tàu Việt Anh 09 và Việt Anh 01 chạy tuyến cố định, bán vé khứ hồi cho khách. Hai tàu còn lại Việt Anh 05, 06 là tàu tăng cường khi có lượng khách tăng cao, nên chỉ bán vé tại bến, không bán vé khứ hồi. Ông Bắc cho biết để hạn chế số khách bị mắc kẹt trên đảo, ngày 22/6 mỗi tàu của Công ty đã phải quay bốn vòng ra, vào ở hai đầu bến Vân Đồn-Cô Tô, gấp bốn lần so với quy định chung trong vận tải đường thủy nội địa.

Ông Lê Quang Soạn, Trưởng Cảng vụ khu vực Vân Đồn-Cô Tô, cho biết mỗi ngày, Cảng vụ đường thủy nội địa chỉ cấp lệnh rời bến Vân Đồn đi Cô Tô khoảng 5-10 chuyến, cá biệt có ngày cao điểm đông khách cấp tới 20 chuyến. Đầu Cô Tô về Vân Đồn thường ít hơn vào ngày thường nhưng lại nhiều vào các ngày cuối tuần, nhất là vào thứ Bảy và Chủ nhật. Ông Soạn cho biết tùy theo thời tiết và nhằm đảm bảo an toàn, hàng ngày Cảng vụ chỉ có thể cấp lệnh rời bến trước 18 giờ cho các tàu.

Hiện nay, hai doanh nghiệp có phương tiện vận chuyển khách ra Cô Tô là Công ty Mạnh Quang và Công ty Phúc Thịnh với số lượng tàu khoảng sáu chiếc, sức chở từ 48 -128 người/chuyến. Ngoài ra, huyện có một tàu chuyên chở cán bộ đi công tác ở đảo. Trước đây, khi xảy ra tình trạng dồn đọng khách trên đảo, huyện Cô Tô thường sử dụng tàu này để tăng cường đưa khách vào đất liền, song tàu này đang bị hỏng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cô Tô Nguyễn Đức Thành cho biết thêm huyện đang xin ý kiến của tỉnh cho phép sử dụng, khai thác tàu của huyện theo hình thức “đầu tư công-quản trị tư” vừa để khai thác hiệu quả vốn đầu tư nhà nước, vừa góp phần khắc phục tình trạng du khách “mắc kẹt” trên đảo trong những ngày cuối tuần, nâng cao chất lượng phục vụ du lịch của huyện Cô Tô./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục