Vụ dưa hấu đầu năm nay được xem là vụ mùa đáng buồn đối với người dân Quảng Ngãi. Mưa lũ bất thường, dưa bị ùn tắc ở cửa khẩu kéo theo hàng trăm tấn dưa bị bỏ hoang ở các đồng ruộng, trong khi thương lái chỉ thu mua với giá từ 1.000-2.000 đồng/kg.
Trong lúc khó khăn đã xuất hiện những nghĩa cử cao đẹp của các tổ chức, nhà hảo tâm. Ở khắp nơi trong cả nước, từ cán bộ công chức đến người dân đều hướng về miền Trung, hướng về Quảng Ngãi.
Hàng trăm tấn dưa được chính người dân trong nước tiêu thụ không phải chịu cảnh bị chín rục trên đồng ruộng, bị bò ăn, chim mổ.
Sau hơn một tháng, gần 2.000 tấn dưa đã được “giải cứu” và hiện nay ở Quảng Ngãi, hàng trăm hécta đất đã được người dân làm đất để chuẩn bị cho mùa dưa mới, hàng chục hécta dưa đã bắt đầu lên chồi.
Có mặt tại khu vực đất bãi bồi bên sông Trà Khúc thuộc địa phận xã Nghĩa Dũng, thành phố Quảng Ngãi, phóng viên có thể nhận thấy hàng chục hécta đất đang được người dân canh tác trồng lại vụ dưa thứ 2.
Với tâm niệm “thua keo này bày keo khác,” anh Phạm Văn Đạt, một nông dân trồng dưa cho biết: "Cứ tới vụ là làm thôi, cũng hy vọng gỡ lại chút ít vụ trước nhưng giá cả thì giống như đánh bạc với trời."
Gia đình anh Đạt và người bạn cùng quê (ở Bình Chương, Bình Sơn) phải vào tận thành phố để thuê đất trồng dưa với giá 1 triệu đồng/sào. Trong mùa vụ vừa rồi, gia đình anh Đạt lỗ mất gần 20 triệu đồng vì mưa lũ bất thường, trong khi dưa chỉ bán được với giá 2.000 đồng/kg.
Hy vọng vụ mùa thứ 2 sẽ được giá hơn nên anh Đạt tiếp tục vay mượn tiền để trồng thêm 22 sào dưa ( một sào bằng 500m2).
Cũng giống anh Đạt, anh Trần Văn Boon ở huyện Bình Sơn cũng quyết tâm vay mượn tiền của bạn bè, bà con để xuống giống vụ 2 trên mảnh ruộng 15 sào với mong muốn đắp đổi vụ trước.
Anh Boon tâm sự: "Cá nhân mình đã trồng dưa nhiều năm, vẫn biết thị trường đầu ra còn quá phụ thuộc nước ngoài. Năm được năm mất, nhưng cũng chỉ biết trồng dưa, lời ăn lỗ chịu. Mong rằng lúc trúng mùa, trúng giá sẽ bù lúc thua lỗ."
Trồng cây dưa luôn gặp nhiều rủi ro, nông dân làm theo kiểu "đánh bạc" nên điệp khúc được mùa mất giá vẫn tái diễn hàng năm.
Theo nhiều người trồng dưa, nếu giá cả thị trường ổn định, với năng suất trung bình 40 tấn/ha, chỉ sau từ 55-90 ngày trồng và chăm sóc, người dân có thể thu lợi nhuận hàng chục triệu đồng. Với lợi nhuận như vậy nên khi đã trồng dưa thì rất dễ ham và đam mê dẫu cho thị trường có bấp bênh hay thương lái ép giá.
Dọc sông Trà Khúc, hàng chục hécta dưa gối vụ đang được người dân hối hả chăm sóc, trồng lại. Theo thống kê sơ bộ, hiện đã có ít nhất trên 100ha dưa hấu đang được các hộ tiến hành trồng mới; trong đó cũng tập trung tại các bãi bồi ven sông Trà Khúc của địa bàn thành phố Quảng Ngãi và huyện Sơn Tịnh.
Ông Võ Tấn Hồng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh cho rằng, trong những năm gần đây, cây dưa bấp bênh, nông dân thua lỗ liên tục, địa phương đã tổ chức các cuộc họp tuyên truyền vận động không nên trồng cây dưa nhiều bởi vì phụ thuộc vào giá xuất khẩu sang Trung Quốc.
Mặc dù nông dân vẫn biết trồng dưa được giá thì ít, lỗ thì nhiều nhưng vẫn cứ tiếp tục trồng dưa. Theo ông Hồng, vấn đề nan giải nhất chính là đầu ra cho dưa hấu. Hiện các tổ chức, cá nhân từ thiện có thể "giải cứu" mua giúp dưa cho nông dân tạm thời một, hai vụ, nhưng điều này sẽ không thể kéo dài.
Việc giúp người dân trong lúc khó khăn đang nhóm lên ngọn lửa tình thân của cộng đồng, gắn kết tình cảm giữa người dân khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế từ cây dưa hấu, không thể dựa vào nghĩa cử của các nhà hảo tâm.
Người nông dân Quảng Ngãi rất cần các chính sách hỗ trợ và phương hướng phát triển nông nghiệp bền vững để không phải canh cánh tâm lý "đánh bạc" trong mỗi vụ dưa./.