Đưa Gia Lai thành vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia

Với những di sản quý báu, nguồn lực cơ bản, Gia Lai nỗ lực “vượt khó” hiện thực hóa mục tiêu thành vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia.

Cánh đồng mía lớn tại Gia Lai. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)
Cánh đồng mía lớn tại Gia Lai. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

Trong chuyến thăm và làm việc tại Gia Lai tháng 5/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh Gia Lai là tỉnh miền núi, biên giới, có vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng, an ninh, trung tâm tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia; có diện tích tự nhiên thứ hai cả nước, có điều kiện tự nhiên thuận lợi; dân số trên 1,5 triệu người; có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa cách mạng, đoàn kết, thống nhất, yêu nước. Đây là di sản quý báu, nguồn lực cơ bản để Gia Lai phát triển nhanh và bền vững.

Phát huy những thế mạnh đó, Gia Lai nỗ lực “vượt khó” hiện thực hóa mục tiêu thành vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia.

Nỗ lực vượt khó, hoàn thành các mục tiêu

Năm 2023, tình hình thế giới diễn biến phức tạp và khó lường, kinh tế trong nước tiếp tục chịu tác động lớn. Không nằm ngoài sự ảnh hưởng chung đó, kinh tế-xã hội của tỉnh Gia Lai đối mặt nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, với tinh thần xuyên suốt “đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, chủ động sáng tạo, kịp thời hiệu quả," Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Gia Lai chung sức, đồng lòng vượt qua thách thức, đạt nhiều thành tựu quan trọng. Năm 2023, có 14/21 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt so với Nghị quyết Hội đồng Nhân dân tỉnh đề ra. Những con số biết nói đã khái quát nỗ lực của tỉnh trong phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội.

Cụ thể, tổng diện tích gieo trồng tăng 2,98%; giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 7,18%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9,45%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 20,48%; kim ngạch xuất khẩu tăng 3,03%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 9,28%; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 5,6%.

Trong năm, tỉnh có 35 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 3.880 tỷ đồng (gấp 2 lần năm 2022). Năm 2023 cũng là năm thành công trên lĩnh vực du lịch với nhiều dấu ấn được ghi nhận và lan tỏa. Trong số đó có thể kể đến việc tổ chức thành công chương trình thời trang thổ cẩm “Gia Lai ơi,” Tuần Văn hóa-Du lịch và Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2023 chủ đề “Gia Lai-Những sắc màu văn hóa”; trưng bày “Thiên đường Tây Nguyên- Gia Lai” cùng nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn. Gia Lai đón trên 1,15 triệu lượt du khách tham quan, trải nghiệm (tăng 19,8% so với năm 2022, vượt 4,6% chỉ tiêu kế hoạch).

Các lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được tăng cường. Tỉnh tổ chức tốt diễn tập khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai, đánh giá năm 2023, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỉnh đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đời sống người dân và tình hình kinh tế-xã hội địa phương có sự phát triển. Gia Lai tận dụng được sự đầu tư của Đảng và Nhà nước thông qua 3 chương trình mục tiêu quốc gia, để người dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa có điều kiện phát triển kinh tế- xã hội, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Vui mừng trước phát triển của quê hương, nhân dân Gia Lai háo hức đón chào một mùa Xuân mới với niềm tin về một năm khởi sắc.

Tạo đà phát triển kinh tế-văn hóa và xã hội

Những thành tựu đạt được trong gian khó đã tạo thêm sự phấn khởi, tự tin cho Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai vững bước ở giai đoạn phát triển mới.

Theo ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai, năm 2024 và những năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục triển khai mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến.

ttxvn_gia_lai_2.jpg
Hơn 58.000ha cây trồng các loại tại Gia Lai đã được cấp chứng nhận truy xuất nguồn gốc. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

Sau khi Gia Lai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, tỉnh tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án về nông nghiệp công nghệ cao, nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, từ đó, tăng giá trị sản phẩm, thu nhập cho người dân. Từ quy hoạch này, tỉnh hoạch định rõ chiến lược phát triển cho tương lai.

Đây là động lực, tiền đề cho địa phương thực hiện mục tiêu thành vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia và của Tây Nguyên.

Để hoàn thành mục tiêu đó, Gia Lai đã vạch ra chiến lược phát triển rõ ràng cho những năm tới. Trong số đó, tỉnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế có định hướng; ưu tiên phát triển nhóm ngành công nghiệp lợi thế như: chế biến nông-lâm sản, năng lượng tái tạo, sản xuất vật liệu không nung, công nghiệp phục vụ nông nghiệp.

Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tập trung phát triển sản phẩm OCOP.

Tỉnh tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Gia Lai đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thiện dự án tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (Quốc lộ 19)...

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung triển khai kịp thời chương trình, đề án, chính sách dân tộc, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Để Gia Lai sớm hiện thực hóa mục tiêu, trong chuyến thăm và làm việc đầu năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị tỉnh cần tiếp tục duy trì đà phát triển trên tất cả các lĩnh vực; đảm bảo giữ vững quốc phòng-an ninh. Đặc biệt, dựa trên Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt, Gia Lai cần tập trung, chủ động triển khai để xây dựng tỉnh trở thành “cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe.”

Gia Lai cần quyết tâm chính trị cao để đảm bảo tốc độ tăng trưởng đã đề ra. Trong số đó, tỉnh đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp và gắn với xây dựng sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị sản phẩm sản nông nghiệp.

Năm 2024 là năm nước rút để Gia Lai hoàn thành các mục tiêu đề ra cho nhiệm kỳ 2020-2025; đảm bảo hoàn thành mục tiêu của các kế hoạch 5 năm 2021-2025 cũng như góp phần triển khai tốt mục tiêu của Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050. Hy vọng, với sự đồng lòng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Gia Lai sớm hiện thực hóa được khát vọng “hóa rồng” trong tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia và vùng Tây Nguyên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục