Xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên nằm cạnh tuyến đê sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km, nổi tiếng với nghề chăn nuôi gà chân to, gà tiến vua.
Nơi đây đã có nhiều người trở thành tỷ phú nhờ nuôi giống gà quý hiếm "độc nhất vô nhị" này. Những ngày cuối năm, thương lái từ các nơi tìm đến Đông Tảo để lựa chọn những con gà đẹp nhất để làm quà biếu hoặc sử dụng làm thực phẩm trong ngày Tết nguyên đán cổ truyền.
Tương truyền, thời xa xưa chỉ vua chúa mới được thưởng thức loại đặc sản cực ngon này, vì thế gà Đông Tảo hoặc Đông Cảo còn có tên gọi tiến Vua. Ấn tượng đặc biệt nhất về gà Đông Tảo là đôi chân vô cùng to lớn, ngón mập mạp, vẩy thịt đỏ au.
Một số con còn có chân to bằng bắp tay người lớn, da đỏ au, khi trưởng thành có thể nặng trên 5-6 kg (gà trống) và hơn 3,5 kg (gà mái). Vì thế, nhiều gia đình thích nuôi gà Đông Tảo làm cảnh hoặc làm thực phẩm quý, bổ dưỡng sử dụng trong ngày Tết.
Tuy nhiên, do gà Đông Tảo to nên cũng khó khi phải chế biến, vận chuyển hay bảo quản để sử dụng lâu dài khiến việc tiêu thụ không ổn định. Từ hạn chế đó, người dân Đông Tảo đã nghĩ tới việc chế biến gà thành những sản phẩm dễ sử dụng nhưng vẫn giữ được vẻ tươi ngon, mùi vị đặc trưng.
Các sản phẩm giò lụa gà, giò xào, gà ủ muối, kê gà... lần lượt ra đời. Người Đông Tảo đã đầu tư thiết bị để đóng gói, cấp đông (lạnh) đảm bảo sản phẩm tươi ngon khi tới tay người tiêu dùng và bán được quanh năm chứ không chỉ riêng dịp lễ tết như trước đây.
Anh Giang Tuấn Vũ, thôn Đông Tảo Nam là 1 trong những người tiên phong trong chế biến gà Đông Tảo cho biết, khi con gà được sơ chế thành sản phẩm giúp giải được bài toán trọng lượng, tiện lợi trong việc vận chuyển, bảo quản và có thể sử dụng ngay khi cần thiết. Với cách làm này, việc tiêu thụ gà Đông Tảo đã tăng đáng kể so với trước đây.
Cẩn trọng lựa những cặp chân gà to như bắp tay cho vào túi ni lông để ép chân không, anh Giang Tuấn Vũ khoe, có vị khách quen đã đặt 14 kg chân gà Đông Tảo để gửi biếu đối tác người Thái Lan. Với cách chế biến như hiện nay, gà Đông Tảo đã có một bước tiến mới so với trước đây. Gà và sản phẩm từ gà dễ dàng tiếp cận với khách hàng trong và nước ngoài.
Việc chế biến và đóng gói sản phẩm từ đều đảm bảo quy trình theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, có tem truy suất nguồn gốc… nên đã lấy được sự tin tưởng của khách hàng - anh Vũ chia sẻ.
Đặc thù của vùng đất bãi Khoái Châu rất phì nhiêu và màu mỡ do được bồi đắp phù sa của con sông Cái. Với lợi thế này, người dân đã biến ruộng thành vườn. Bên trong những vườn bưởi vườn nhãn xanh tốt là đàn gà Đông Tảo đang nhẩn nha bới đất, tìm sâu.
Với cách chăn thả tự nhiên, cùng với thổ nhưỡng khí hậu càng làm cho giống gà Đông Tảo có hương vị đặc trưng hơn so với giống gà cùng loại được nuôi thả ở những vùng miền khác. Cùng đó, người dân Đông Tảo, đời nối đời nuôi gà tiến Vua nên cũng đúc rút ra những bí kíp riêng.
Hiện cũng có nhiều tỉnh thành trên cả nước đang chăn nuôi giống gà chân to, tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ đối với gà được nuôi tại Đông Tảo. Do không còn thế độc quyền như trước nữa, người Đông Tảo càng quan tâm đến việc nâng cao hình ảnh mẫu mã và chất lượng thịt của con gà.
Theo ông Lê Quang Thắng - Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo, những năm trước do trình độ cũng như nhận thức chưa đầy đủ nên người chăn nuôi vẫn phải sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh cho con gà.
Nhưng 3 năm trở lại đây, các thành viên trong hợp tác xã đã chuyển hướng chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Con gà được chăn thả tại vườn, cho ăn gô, cám gạo, bã đậu tương, cá tép tươi, rau xanh… đủ chất nên con gà có sức đề kháng tốt, ít bệnh tật.
Nhờ chất lượng tốt, gà Đông Tảo đã được nhiều người dân trên cả nước và nước ngoài tin dùng. Tổng đàn gà năm 2024 đã tăng hơn 30% so với năm trước.
Riêng để phục vụ thị trường trong dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ, hợp tác xã đã chuẩn bị khoảng 1.000 con gà biếu (loại chân to, mã đẹp), khoảng 7.000 gà thương phẩm; toàn xã có khoảng 1,5 vạn con gà thương phẩm. Về sản lượng có tăng nhiều nhưng giá cả không tăng so với cùng kỳ năm trước.
Xác định gà Đông Tảo là sản phẩm đặc trưng nên trong nhiều năm qua, chính quyền các cấp của tỉnh Hưng Yên đã dành nhiều nguồn lực để quan tâm tới việc bảo tồn và phát triển giống gà trên.
Ông Lê Văn Thắng - Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn Hưng Yên) cho hay, thời gian tới, để phát huy giá trị của gà Đông Tảo, Chi cục sẽ hỗ trợ cho các chủ trang trại, nhà vườn các hợp tác xã thực hiện tốt việc đa dạng hóa các sản phẩm, nhằm phục vụ đa dạng nhóm khách hàng, từ đó nâng cao giá trị, thu nhập từ gà.
Đặc biệt, Chi cục sẽ phối hợp với các bên liên quan thúc đẩy chuyển đổi số trong việc hoạt động sản xuất và kinh doanh gà Đông Tảo; hướng dẫn các hộ chăn nuôi ứng dụng nền tảng số trong chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ gà Đông Tảo như: chăn nuôi trong chuồng lạnh, sử dụng cảm biến nhiệt, áp dụng thụ tinh nhân tạo cho gà…
Đồng thời, hỗ trợ hộ chăn nuôi số hóa quy trình sản xuất, quảng bá sản phẩm qua việc xây dựng các video, clip, đăng tải trên trang mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử, để mở rộng thị trường và đa dạng khách hàng tiêu dùng…
Ông Thắng khuyến nghị, để nâng cao chất lượng và quy mô, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cần liên kết lại với nhau để hình thành nên các tổ hợp tác, hợp tác xã, tạo ra quy mô lớn. Từ đó, sẽ có thêm nguồn vốn đầu tư trang thiết bị hiện đại để chăn nuôi, chế biến gà Đông Tảo, gia tăng kinh tế cho mỗi hộ gia đình.
Những ngày cận Tết nguyên đán, nhiều gia đình ở Đông Tảo sáng đèn tới tận đêm khuya. Họ livestream bán gà và sản phẩm từ gà trên Facebook, zalo và các nền tảng xã hội khác tới đông đảo khách hàng trong và ngoài nước. Cũng từ đó, con gà được bay xa hơn, kéo theo đời sống của người nuôi gà Đông Tảo ngày thêm khá giả./.
Hưng Yên: Các sản phẩm chế biến tăng thêm giá trị kinh tế cho gà Đông Tảo
Không chỉ cung cấp gà Đông Tảo thịt, những người chăn nuôi còn chế biến giò lụa, giò xào gà Đông Tảo, gà Đông Tảo ủ muối, chân gà ngâm sả tắc… được đông đảo người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn.