Đông Nam Bộ là vùng kinh tế trọng điểm, đóng góp đặc biệt quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò là hạt nhân của vùng đã có thỏa thuận hợp tác phát triển toàn diện về kinh tế-xã hội với các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh và Bình Phước để phát huy lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, mối quan hệ đối ngoại, vùng đảm nhiệm chức năng đầu mối giao lưu với khu vực và thế giới, đi đầu trong hội nhập quốc tế của cả nước.
Bên cạnh đó, vùng Đông Nam Bộ còn là trung tâm giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học-công nghệ hàng đầu cả nước và trung tâm công nghiệp hàng đầu cả nước.
Gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông toàn vùng
Báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ tại Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ diễn ra ngày 18/3 tại tỉnh Bình Phước khẳng định Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước.
Thành phố Hồ Chí Minh nhận thức rõ vai trò và vị trí trung tâm của vùng Đông Nam Bộ nên khẳng định việc hợp tác phát triển kinh tế-xã hội với các tỉnh trong vùng góp phần mở rộng thị trường, không gian phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương trong vùng nói riêng và trong cả nước nói chung.
Nhận thức rõ vai trò, vị trí của vùng Đông Nam Bộ nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, Bộ Chính trị khóa IX ban hành Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, những năm qua, các cấp, các ngành, nhất là các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vùng và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương và có đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.
[Phát huy nguồn lực văn hóa, phát triển toàn diện vùng Đông Nam Bộ]
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh hội nghị tổng kết hôm nay là để triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo ông Nguyễn Văn Nên, để việc liên kết vùng Đông Nam Bộ hiệu quả hơn cần các yếu tố như tổ chức, cơ chế, nguồn lực và thống nhất quan điểm của các địa phương trong vùng.
"Vấn đề phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng là yếu tố quan trọng nhất của vùng hiện nay. Không chỉ phát triển giao thông đường bộ mà cần tận dụng tiềm năng và phát triển tất cả các mạng lưới giao thông kết nối như đường không, đường thủy, đường sắt. Đây chính là việc làm cấp bách đối với yêu cầu phát triển của vùng Đông Nam Bộ," Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho rằng việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày ngày 7/10/2022 về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa qua là hết sức cần thiết và phù hợp để tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt, cũng như khơi gợi, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, đột phá cho Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung trong thời gian tới, qua đó thúc đẩy phát triển chung của vùng Đông Nam bộ và cả nước.
Động lực phát triển của cả nước
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành nhìn nhận, mặc dù thời gian qua việc liên kết, hợp tác đạt được nhiều kiết quả tích cực nhưng vẫn còn nhiều tồn tại.
Lãnh đạo chính quyền các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ chưa đặt sự quan tâm đúng mức, chỉ đạo sâu sát trong việc thực hiện chương trình hợp tác, dẫn đến việc liên kết trên một số lĩnh vực còn có những khó khăn, vướng mắc tồn tại trong thời gian dài nhưng chậm được tháo gỡ; hợp tác kinh tế-xã hội phải toàn diện nhưng còn quá dàn trải trên nhiều ngành lĩnh vực, không xác định lĩnh vực nào là trọng tâm, là đột phá dẫn đến không tận dụng được thế mạnh của từng bên.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, hiện nay, Bộ đang chuẩn bị các nội dung để trình Chính phủ một số vấn đề về phát triển kinh tế-xã hội vùng Đông Nam Bộ. Nội dung sẽ tập trung vào các nhóm vấn đề như liên kết phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng; phát triển nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao; phát triển vận tải logistics; khoa học công nghệ và chuyển đổi số; tài nguyên nước và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng...
"Vấn đề quy hoạch vùng sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến phát triển vùng Đông Nam Bộ. Quy hoạch sẽ đánh giá và làm rõ được những tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và cả vùng, từ đó sẽ có định hướng phát triển kinh tế-xã hội phù hợp cho vùng Đông Nam Bộ," ông Trần Duy Đông nhìn nhận.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh kiến nghị Trung ương sớm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh cũng như vùng để sớm hoàn thiện kết nối đa phương thức gồm đường bộ, đường thủy, đường sắt để hỗ trợ vận tải hàng hóa, hành khách.
Đặc biệt ưu tiên kết nối mới bằng đường sắt đô thị với các tuyến từ Bình Dương vào trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, sân bay Tân Sơn Nhất, theo hướng nối dài mạng lưới đường sắt trung tâm thành phố Hồ Chí Minh ra vùng Thành phố Hồ Chí Minh, thông qua đó mở rộng không phát triển về nguồn nhân lực, dịch vụ thương mại, du lịch, khoa học công nghệ; kéo giãn hành lang vận tải lên phía Bắc, theo đường Vành đai 4, vòng qua Tân Uyên, Biên Hòa, rồi đấu nối vào cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, bù lấp đoạn khuyết thiếu lâu nay từ Tân Uyên đến Biên Hòa.
Cùng đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết địa phương đang khắc phục sự bất lợi về vị trí địa lý thông qua các dự án kết nối vùng; trong đó trọng tâm là cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước); đường Đồng Phú-Bình Dương; xây dựng và ban hành 58 đề án, chương trình, kế hoạch có tính định hướng quan trọng trong nhiều ngành, lĩnh vực.
Cụ thể như kết cấu hạ tầng, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp, khoa học-công nghệ, đô thị, chuyển đổi số, nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính, huy động nguồn lực đầu tư, văn hóa-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh..., qua đó, từng bước đưa Bình Phước từ vị trí "dự trữ" thành một "động lực" tăng trưởng và phát triển của vùng Đông Nam Bộ.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đề nghị để vấn đề hợp tác và liên kết phát triển kinh tế-xã hội vùng Đông Nam Bộ thời gian tới hiệu quả hơn, cần từng bước hoàn thiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị đối với từng địa phương; Thành phố Hồ Chí Minh cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị các nội dung để trình Quốc hội về cơ chế vượt trội của vùng; tăng cường kết nối dữ liệu số để giải quyết vấn đề của vùng…
Tại hội nghị, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2023-2025./.