Đưa Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, đô thị biển quốc tế

Theo Chương trình hành động của Chính phủ, xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, đô thị biển quốc tế, đô thị du lịch lớn gắn với kinh tế biển.

Toàn cảnh khu vực Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu. (Ảnh: TTXVN phát)
Toàn cảnh khu vực Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu. (Ảnh: TTXVN phát)

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 169/NQ-CP ngày 30/9/2024 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 79-KL/TW ngày 13/5/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chính phủ yêu cầu bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng và các địa phương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp.

Cụ thể, các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương trong cả nước chủ động phối hợp tốt với cơ quan thông tấn, báo chí để nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin về Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 79-KL/TW.

Chính phủ yêu cầu tập trung quán triệt, tuyên truyền tạo sự thống nhất cao, nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về vai trò, vị trí chiến lược, tầm quan trọng của thành phố Đà Nẵng trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và cả nước; tầm quan trọng của phát triển toàn diện thành phố Đà Nẵng, gắn với thực hiện hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hoàn thiện thể chế; xác định tư duy, tầm nhìn chiến lược, khát vọng phát triển thành phố Đà Nẵng

Chính phủ yêu cầu tập trung rà soát toàn diện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị; nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện thể chế, ban hành các cơ chế, chính sách, xác định tư duy, tầm nhìn chiến lược, khát vọng phát triển; nhận diện đầy đủ, chính xác các tiềm năng, lợi thế, dư địa, tạo ra không gian, động lực phát triển mới; nghiên cứu có giải pháp đột phá, khả thi, phù hợp, giải quyết dứt điểm các hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra; quyết liệt, trách nhiệm hơn trong tổ chức thực hiện, kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ.

ttxvn_da nang 2.jpg
Một góc Đà Nẵng. (Nguồn: TTXVN)

Đổi mới tư duy, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển, quyết tâm vươn lên, khắc phục khó khăn, tạo sức bật mới nhằm phát triển Đà Nẵng xứng đáng với vai trò là trung tâm và là đầu tàu, dẫn dắt của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Phát huy cao độ truyền thống lịch sử, văn hóa, tiềm năng, thế mạnh về con người và tài nguyên thiên nhiên để xây dựng Đà Nẵng phát triển toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, đô thị biển quốc tế

Nghị quyết xác định nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực chính, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Đà Nẵng cần triển khai hiệu quả chuyển đổi số để phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất mới, y tế, giáo dục. Thành phố tiếp tục phát triển các dịch vụ đô thị thông minh, sàn giao dịch thương mại điện tử; tập trung đầu tư phát triển các lĩnh vực mũi nhọn của thành phố; có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác công-tư (PPP), thu hút nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế.

Xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, đô thị biển quốc tế, đô thị du lịch lớn gắn với kinh tế biển; là trung tâm nghề cá hiện đại gắn với ngư trường Hoàng Sa và bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo.

Thành phố Đà Nẵng phối hợp với Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; khai thác có hiệu quả các khu công nghệ thông tin tập trung, khu công viên phần mềm để thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và vi mạch bán dẫn. Phát triển mới trạm cập bờ cáp quang biển; đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu quy mô quốc gia. Xây dựng và phát triển khu công nghệ cao và thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

Đưa hình ảnh Đà Nẵng văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc đến gần hơn với bạn bè quốc tế

Nghị quyết nêu rõ đầu tư phát triển văn hóa, con người đồng bộ, ngang tầm với phát triển kinh tế, đưa hình ảnh thành phố Đà Nẵng văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Xây dựng "nếp sống văn hóa-văn minh đô thị," phát triển con người Đà Nẵng toàn diện, tuân thủ pháp luật, hội nhập quốc tế và có giá trị bản sắc riêng. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, các di tích, danh lam, thắng cảnh gắn với phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí.

Tiếp tục mở rộng mạng lưới, quy mô giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Phối hợp có hiệu quả giữa cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghiệp công nghệ cao khác. Ưu tiên bố trí nguồn lực hoàn thiện Khu đô thị Đại học Đà Nẵng, xây dựng Đại học Đà Nẵng trở thành Đại học Quốc gia.

Đầu tư hoàn thiện mạng lưới y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, nhất là chăm sóc sức khoẻ chuyên sâu, dịch vụ y tế chất lượng cao và mô hình kết hợp giữa du lịch và khám, chữa bệnh.

Quản lý, khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên rừng, biển, đất đai. Xây dựng kế hoạch hành động của địa phương nhằm triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Xây dựng huyện Hòa Vang trở thành đô thị vệ tinh

Chính phủ yêu cầu khẩn trương triển khai có hiệu quả quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, vùng kinh tế động lực miền Trung; Xây dựng huyện Hoà Vang trở thành đô thị vệ tinh. Ưu tiên bố trí, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn ngân sách trung ương để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, liên vùng, nhất là các công trình, dự án đã được Nghị quyết số 43-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW đề ra.

Tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuân thủ các định hướng của quy hoạch vùng, hệ thống quy hoạch quốc gia; tổ chức, sắp xếp không gian các hoạt động kinh tế-xã hội phù hợp để bảo đảm phát triển nhanh, bền vững các ngành, lĩnh vực; kết nối liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình hợp lý; bảo đảm tính kết nối, liên kết vùng, trong đó thành phố Đà Nẵng là đô thị hạt nhân.

ttxvn_thanh pho da nang 1.jpg
Một góc thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng thành Khu phố tài chính quốc tế An Đồn; chuyển đổi khu bến Tiên Sa thành trung tâm du lịch-dịch vụ biển; tiếp tục mở rộng Khu công nghệ cao Đà Nẵng cùng với các khu đô thị, dịch vụ vệ tinh trở thành tổ hợp khu đô thị-công nghệ cao sáng tạo, hiện đại, hạ tầng đồng bộ; tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng thí điểm Khu thương mại tự do Đà Nẵng và phát triển Đà Nẵng thành trung tâm vùng về logistics.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cần triển khai có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với thực hiện chính thức mô hình chính quyền đô thị.

Thực hiện chính thức mô hình chính quyền đô thị và hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng; tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật để tháo gỡ vướng mắc, bất cập khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao chất lượng chính quyền điện tử, xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục