Như Vietnam+ đã đưa tin, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủ đô II đã chặt hạ cây bồ đề quý trăm tuổi tại đường 19-12 (trước đây là chợ 19-12) thuộc phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Rạng sáng nay, cây bồ đề trên đã được phát hiện tại một bãi đất trống cuối ngõ 310 Nghi Tàm, phường Tứ Liên, Tây Hồ. Khi được tìm thấy, cây bồ đề đã bị cưa cụt ngọn, phần rễ chính và rễ nang hút nước cũng cắt nham nhở.
Bí mật trồng lại...bất thành
Khoảng 1 giờ 30 sáng sớm 4/11, một nhóm trên 20 người cùng ô tô và xe cẩu đang thực hiện hành vi vận chuyển và có ý định trồng cây bồ đề tại cụm 1, phường Tứ Liên, Tây Hồ (đoạn đầu đường An Thành) nhưng khi bị phát hiện, lập tức các đối tượng bỏ lại cây tại hiện trường và trốn chạy.
Trước đó, khoảng 22 giờ, ngày 3/11, Công ty Thủ Đô II đã bí mật điều một xe cẩu Hino, loại 5 tấn từ trụ sở trên phố Phùng Hưng nhằm trực thẳng tới bãi rác Thanh Trì do Công ty Bắc Việt quản lý. Tại đây, các công nhân cùng máy móc đã đưa cây bồ đề lên xe cùng cành, lá, đồng thời phủ bạt kín. Sau gần 3 tiếng đồng hồ, cây bồ đề đã được đưa đến vị trí trên.
Theo anh Trần Đình Dũng - Bảo vệ Công ty Môi trường Sinh thái, trong đêm, một xe cẩu 5 tấn phủ bạt đã chở cây đến.
Đi cùng xe chở cây là một taxi chở khoảng 10 thanh niên áp tải gốc bồ đề và 2 xe con biển trắng và 1 xe biển xanh 31A...Trong đó, có nhiều người ăn mặc comple lịch sự, cũng có những đối tượng ăn mặc hầm hố. Nhóm người này, khi tới khu vực đã được đào hố trồng cây sẵn, thấy hố nhỏ đã dùng cẩu đưa gốc cây bồ đề trên xe xuống khu đất đối diện rồi vội vàng bỏ đi.
"Do tôi nhận ra đây là cây bồ đề tại chợ 19-12, tôi hỏi tại sao lại để cây ở đây thì được nhóm người chở đến trả lời “để dưỡng cây” - anh Dũng khẳng định. Ngay lập tức người bảo vệ này đã cấp báo cho công an phường Tứ Liên và tạm giữ cây bồ đề này.
Còn ông Quỳnh - Chủ trang trại thuộc cụm 1, Tứ Liên, cho biết khoảng 23 giờ ngày 3/11, tôi nhận được một cuộc điện thoại của một người tự xưng là Dũng, cán bộ công an thành phố nhờ trồng lại cây bồ đề bị mất trộm tại khu vực chợ 19-12 trước đây mà lực lượng công an vừa tìm thấy. Vì vậy, ông đã cho người đào một hố trồng cây ngay gần bờ tường trang trại chờ người đem cây đến.
Theo ghi nhận của phóng viên, cây bồ đề đã bị cưa đứt 2/3 ngọn và cắt trơ phần rễ cây. Cũng ngay trong sáng cùng ngày, Thanh tra Sở Xây dựng đã có mặt phối hợp cùng công an phường Tứ Liên lập biên bản và bàn giao cây bồ đề cho Công ty Công viên cây xanh.
Cây đã được đưa về vị trí cũ
Ngay trong ngày, phía công ty cây xanh Hà Nội đã có mặt và lên phương án di chuyển cây bồ đề về để trồng lại đúng tại chợ 19-12. Đến 14 giờ 15 phút, cây bồ đề trên đã được “cẩu” về khu vực chợ để tiến hành trồng lại tại đúng vị trí cây đã bị bứng đi trước đó.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Hưng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Công viên cây xanh cho biết, do cây không được chăm sóc giữ ẩm đã 5 ngày nên Công ty quyết định đưa cây về vị trí cũ cho phù hợp với thổ nhưỡng. Đồng thời công ty phải tiến hành chăm sóc đặc biệt như phết bùn, đắp bèo và tiêm thuốc kích thích...Có vậy mới mong cứu cây. "
"Tuy nhiên, do rễ phải có thời gian bám đất cần yên tĩnh, Ủy ban Nhân dân thành phố cần tạm dừng không cho thi công công trình nhằm giúp cây phát triển ổn định lại bộ rễ," ông Hưng kiến nghị.
Theo xác nhận của một cán bộ thuộc Công ty cây xanh Hà Nội, thì để cố gắng “cứu” cụ bồ đề, ngay sau khi được đưa trở lại vị trí ban đầu, toàn bộ phần gốc cây sẽ được phủ bằng một lớp bèo tây dày. Mục đích chính là kích thích để cây có thể nhanh chóng ra rễ.
Một chuyên gia về cây xanh cho biết, việc cứu sống cây xanh này rất khó vì cây đã bị cắt sâu rễ và thân, hơn nữa lại không được chăm sóc, tưới giữ ẩm tới 5 ngày.
Tại hiện trường, rất đông người dân đã tập trung để xem quá trình “hạ thổ”. Nhiều người tỏ ra rất bức xúc khi thấy trên thân cây có những vết cưa nham nhở, vỏ thân bị tróc nhiều điểm.Phía trong công trường xây dựng chợ 19-12 mới (địa điểm trồng cây trước đây), công nhân của công ty Thủ đô II tiến hành đào hố để tiến hành trồng lại cây. Do trời nắng khá gay gắt, các cán bộ của công ty cây xanh Hà Nội đã phải liên tục dùng nước đã chuẩn bị sẵn dội lên thân để giữ ẩm; đồng thời phủ bạt để tránh nóng.
Tuy nhiên, khả năng sống sót của cây bồ đề trăm tuổi hiện vẫn bị bỏ ngỏ./.