Chiều 19/9, Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai Chương trình giáo dục di sản Hoàng thành Thăng Long, Khu Di tích Cổ Loa trong các trường học thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã diễn ra tại Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long.
Đại diện lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã tới dự.
Tại lễ ký kết, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng khẳng định việc triển khai chương trình giáo dục Di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu Di tích Cổ Loa nhằm giúp các em học sinh chủ động khám phá, tìm hiểu về di sản thông qua các hoạt động tương tác, trải nghiệm góp phần hoàn thiện các kỹ năng quan sát, sưu tầm, tìm hiểu và yêu thích môn Lịch sử trong các trường học.
Theo nội dung ký kết, hàng năm, các trường sẽ xây dựng kế hoạch, phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đưa học sinh tới học tập, trải nghiệm tại Khu Di sản Hoàng Thành Thăng Long vào thời gian thích hợp trong năm học. Đây là chương trình ngoại khóa gắn với bộ môn Lịch sử địa phương.
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội đã xây dựng các chương trình học tập phù hợp với nhiều cấp học và lứa tuổi. Trong đó, chương trình “Em tìm hiểu di sản” dành cho học sinh các cấp, với nhiều trải nghiệm bổ ích như tham quan, học Lịch sử qua các chuyên đề, giao lưu cùng các nhà sử học; tham gia các hoạt động tương tác truyền thống như dán quạt, vẽ gốm, in tranh dân gian…
Chương trình chuyên đề “ Em làm nhà khảo cổ” dành cho học sinh tiểu học với nhiều trải nghiệm thực tế như đào khảo cổ, dập hoa văn hiện vật, vẽ hiện vật…, giúp học sinh rèn luyện các kỹ năng quan sát, sưu tầm, thuyết trình, làm việc nhóm, rèn luyện phẩm chất cần cù, kiên trì, sáng tạo, tỉ mỉ.
Chương trình tham quan học tập và chụp ảnh kỷ yếu tại Hoàng thành Thăng Long dành cho học sinh cuối cấp (lớp 9 và lớp 12). Chương trình tham quan, học tập ngoại khóa tại khu di tích Cổ Loa, trải nghiệm các hoạt động tương tác tại khu trưng bày "Không gian Việt" như: Bắn nỏ, in tranh dân gian, làm bỏng, làm oản xôi lá mít; chơi các trò chơi dân gian pháo đất, đắp thành, kéo co, ném vòng…
Ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội hy vọng, với sự hợp tác của Trung tâm và ngành Giáo dục Thủ đô, sự vào cuộc của các nhà trường, chương trình giáo dục Di sản Hoàng thành Thăng Long, Khu Di tích Cổ Loa sẽ được triển khai sâu rộng hơn, bài bản hơn. Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với các chuyên gia, nhà sử học để xây dựng nhiều chuyên đề học tập lịch sử tại khu di tích phù hợp, hấp dẫn với các cấp học.
Hàng năm, Trung tâm sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện chương trình hợp tác, tổng hợp thông tin phản hồi, ý kiến đóng góp của các thầy cô giáo và học sinh để từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng tổ chức chương trình.
Để gắn kết di sản với cộng đồng, với mục tiêu hướng tới khách tham quan, đặc biệt là những khách tham quan nhỏ tuổi, trong những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội đã phối hợp với Văn phòng UNESCO Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, các chuyên gia từng bước xây dựng hoạt động giáo dục di sản bổ ích cho học sinh. Trong năm 2017, hơn 2.600 học sinh Trung học Cơ sở và 1.300 học sinh Tiểu học đã được trải nghiệm các chương trình giáo dục di sản, tìm hiểu di sản chuyên sâu tại Hoàng thành Thăng Long (chương trình "Em tìm hiểu di sản" và "Em làm nhà khảo cổ").
Ngoài ra, hơn 18.000 em nhỏ được trải nghiệm các chương trình Trung thu truyền thống và Tết Việt tại khu di sản, hàng vạn học sinh tham quan khu di sản...
Ngay sau lễ ký kết, chương trình Vui Tết Trung thu 2018 đã được khai mạc tại Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long với nhiều hoạt động bổ ích, hướng tới mục tiêu giáo dục truyền thống cho học sinh./.