Đưa Bộ Tổng Tham mưu thành cơ quan tham mưu chiến lược toàn diện

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Đỗ Bá Tỵ có bài viết nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam (7/9/1945-7/9/2015)
Đưa Bộ Tổng Tham mưu thành cơ quan tham mưu chiến lược toàn diện ảnh 1Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam (7/9/1945-7/9/2015), Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng với nhan đề: “Trung thành, mưu lược, tận tụy, sáng tạo, đoàn kết, hiệp đồng, quyết chiến quyết thắng” - Truyền thống hào hùng của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, với tầm nhìn chiến lược, ngày 7/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho đồng chí Hoàng Văn Thái về việc thành lập cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, Người đã căn dặn: “Bộ Tổng Tham mưu là cơ quan quân sự cơ mật của đoàn thể, là cơ quan quan trọng của quân đội, có nhiệm vụ tổ chức huấn luyện quân sự cho giỏi, tổ chức nắm địch, nắm ta rõ ràng; bầy mưu kế khôn khéo; tổ chức chỉ huy thông suốt, bí mật, nhanh chóng, kịp thời, chính xác để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ cách mạng”.

Quán triệt sâu sắc lời dạy của Bác, ngay từ khi thành lập, Bộ Tổng Tham mưu đã từng bước vừa củng cố tổ chức, bổ sung lực lượng, vừa hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan; tiến hành vừa làm, vừa học, khắc phục mọi khó khăn triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Bộ Tổng Tham mưu nhận thức rõ tham mưu chiến lược cho Đảng và Nhà nước về quân sự, quốc phòng là một vinh dự, trách nhiệm nhưng rất nặng nề và hết sức khó khăn, phức tạp; là lĩnh vực đặc thù, có tính cơ mật cao, đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ, nhanh chóng, kịp thời, chính xác các vấn đề chiến lược về đối tượng, mục tiêu, nội dung, tính chất, nhiệm vụ liên quan đến quân đội, chiến tranh, hòa bình và vận mệnh quốc gia dân tộc.

Công tác tham mưu chiến lược về quân sự, quốc phòng của Bộ Tổng Tham mưu chủ yếu là tập trung vào xây dựng và huấn luyện lực lượng vũ trang ba thứ quân; xây dựng các kế hoạch tác chiến; xây dựng và chỉ đạo cách đánh của lực lượng vũ trang, kết hợp đánh nhỏ với đánh lớn, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy để giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh giải phóng; nghiên cứu, đề xuất kế hoạch tổ chức lực lượng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với phương châm vừa làm, vừa học, Bộ Tổng Tham mưu đã từng bước xây dựng thành một cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng và Nhà nước ngày càng vững mạnh, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao tham mưu chỉ đạo thành công việc tổ chức, xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích; phát triển cả về số lượng, chất lượng, quy mô tổ chức, vũ khí, trang bị và trình độ tác chiến từ thấp đến cao theo tiến trình phát triển của cuộc kháng chiến.

Đồng thời, nghiên cứu từng bước xây dựng các kế hoạch tác chiến chiến lược, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, phối hợp tác chiến giữa các chiến trường, tham mưu cho Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh đề ra những chủ trương, kế hoạch tác chiến chiến lược, mở các chiến dịch có ý nghĩa chiến lược; tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy điều hành nhiều chiến dịch trên các chiến trường.

Những thắng lợi có ý nghĩa to lớn như chiến dịch Biên Giới năm 1950, chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là trận quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) đã thể hiện tài mưu lược sáng suốt, nhạy bén, kịp thời của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, đất nước bước vào thời kỳ mới, Bộ Tổng Tham mưu tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch chuyển miền Bắc từ thời chiến sang thời bình, tiếp quản các khu vực, đấu tranh đòi đối phương thi hành Hiệp định Giơnevơ, góp phần ổn định chính trị-xã hội; lập kế hoạch phòng thủ bảo vệ miền Bắc; chấn chỉnh thống nhất về tổ chức, trang bị, tạo cơ sở cho việc huấn luyện chính quy; chuyển một số đơn vị sang làm nhiệm vụ phòng thủ bờ biển, bộ đội biên phòng, bộ đội bảo vệ yếu địa theo yêu cầu bảo vệ miền Bắc.

Bộ Tổng Tham mưu đề xuất các kế hoạch về xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương thông qua, góp phần xây dựng quân đội ta từ những đơn vị đơn thuần bộ binh và một số đơn vị binh chủng, đã từng bước trở thành một đội quân có đủ các quân chủng, binh chủng chính quy, tương đối hiện đại và hiện đại, có lực lượng dự bị chiến lược, các căn cứ hậu cần, kỹ thuật…

Đồng thời tích cực nghiên cứu, hiểu rõ quy luật chiến tranh, nhận định, đánh giá chính xác, kịp thời âm mưu, thủ đoạn, quy luật hoạt động của địch, tham mưu với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đề ra những chủ trương chiến lược, phương thức tác chiến chiến lược đúng đắn trên các chiến trường.

Đánh giá đúng âm mưu chiến lược của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”… Bộ Tổng Tham mưu đã có những đề xuất kịp thời, sát đúng giúp Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chỉ đạo chuyển đổi phương thức đấu tranh ở miền Nam, đưa đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị trên ba vùng chiến lược; xây dựng kế hoạch chiến lược bảo vệ miền Bắc, các phương án tác chiến chiến lược, mở một số tuyến đường vận chuyển chiến lược bảo đảm kịp thời cho nhiệm vụ chi viện người và vũ khí, phương tiện cho chiến trường miền Nam.

Những thắng lợi to lớn làm chuyển biến cục diện, tạo ra những bước ngoặt quyết định như cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971), cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến trường miền Nam, chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng cuối năm 1972, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã thể hiện tài mưu lược, tham mưu với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương những quyết sách chiến lược đúng đắn để giành thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sau năm 1975, đất nước thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Bộ Tổng Tham mưu chuyển từ nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu sang sẵn sàng chiến đấu và tham gia lao động sản xuất, xây dựng đất nước.

Để đáp ứng với yêu cầu của cách mạng, Bộ Tổng Tham mưu đã triển khai nghiên cứu, đề xuất với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về xây dựng kế hoạch tổ chức, điều chỉnh thế bố trí chiến lược phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, đề xuất xây dựng nền quốc phòng toàn dân, gắn với nền an ninh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

Tiếp nối những chiến công vĩ đại trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc (1945-1975), Bộ Tổng Tham mưu đã hoàn thành tốt chức năng tham mưu giúp Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân, toàn dân ta lập những chiến công mới, giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam, biên giới phía Bắc, làm tròn nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng của Khmer đỏ.

Bộ Tổng Tham mưu đề xuất kế hoạch củng cố, phát triển lực lượng vũ trang theo quan điểm chiến tranh nhân dân và quốc phòng toàn dân, kết hợp xây dựng phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh, góp phần đấu tranh phòng, chống làm thất bại chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ Tổng Tham mưu luôn quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng: “Xây dựng phải đi đôi với bảo vệ Tổ quốc, gắn quốc phòng-an ninh với kinh tế-xã hội và kinh tế-xã hội với quốc phòng-an ninh”.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, Bộ Tổng Tham mưu cùng các cơ quan kịp thời đề xuất với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng kịp thời điều chỉnh, đề ra những chủ trương, chính sách đúng đắn đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nhất là thực hiện điều chỉnh lực lượng, tinh giảm biên chế, từng bước hiện đại, làm nòng cốt bảo vệ Tổ quốc. Bộ Tổng Tham mưu đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ra các chỉ thị, nghị quyết về xây dựng khu vực phòng thủ như Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”, Nghị định số 152/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về “Khu vực phòng thủ”; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội.

Trong 70 năm qua, để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ chính trị của cơ quan tham mưu quân sự chiến lược, vấn đề đặt ra hàng đầu có ý nghĩa quyết định đối với Bộ Tổng Tham mưu là phải luôn quán triệt nghiêm túc đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trên cơ sở đó, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo thực hiện thắng lợi các hoạt động tác chiến của lực lượng vũ trang ba thứ quân, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ Tổng Tham mưu luôn nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Trong đó có chức năng tham mưu về chiến lược quân sự, quốc phòng, lập nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hun đúc nên truyền thống “Trung thành - mưu lược; Tận tụy-sáng tạo; Đoàn kết-hiệp đồng; Quyết chiến-quyết thắng”, góp phần làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của Quân đội, cùng với toàn dân viết nên bản anh hùng ca kỳ diệu của chiến tranh cách mạng Việt Nam.

Hiện nay và những năm tới, tình hình thế giới, khu vực: hòa bình và hợp tác vẫn là xu thế lớn nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều bất trắc, khó lường. Các nước tiếp tục điều chỉnh chiến lược, hình thành những tập hợp lực lượng mới trong khu vực và trên thế giới. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á cơ bản vẫn ổn định và phát triển nhưng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; tranh chấp chủ quyền biên giới, biển, đảo vẫn tiếp tục gia tăng.

Đối với Việt Nam: các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động chống phá, đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hoàn bình”, bạo loạn lật đổ. Triệt để lợi dụng các vấn đề “dân tộc, tôn giáo”, “dân chủ, nhân quyền” để kích động, lôi kéo lực lượng xây dựng ngọn cờ chống phá cách mạng Việt Nam. Hiện nay, cả nước đang tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ thứ 12 của Đảng. Đây cũng là thời điểm các thế lực thù địch tập trung chống phá.

Tình hình trên, đặt ra cho Quân đội những nhiệm vụ hết sức nặng nề. Trong đó, Bộ Tổng Tham mưu cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tốt các bài học kinh nghiệm trong các cuộc chiến tranh, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ công tác quân sự, quốc phòng; thường xuyên nêu cao cảnh giác, dự báo chính xác mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch; đề ra các đối sách hợp lý để giải quyết tốt các vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan trực tiếp đến quốc phòng, an ninh của đất nước, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; tập trung xây dựng Bộ Tổng Tham mưu thực sự là cơ quan tham mưu chiến lược vững mạnh toàn diện, nắm bắt kịp thời những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ và nghệ thuật quân sự mới, đủ khả năng hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong tình hình mới, Bộ Tổng Tham mưu cần tập trung thực hiện một số nội dung:

1. Thường xuyên quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ công tác quân sự, quốc phòng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

Thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ công tác quân sự, quốc phòng. Xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; trước mắt tập trung xây dựng một số quân, binh chủng tiến lên hiện đại. Tổ chức biên chế tinh gọn, cơ động, có sức mạnh chiến đấu cao. Điều chỉnh thế bố trí chiến lược phù hợp; nâng cao chất lượng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Xây dựng các tuyến phòng thủ và khu vực phòng thủ các cấp đáp ứng yêu cầu khi chuyển đất nước sang thời chiến.

2. Thực hiện tốt Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với công an và cơ quan chức năng thường xuyên nắm chắc tình hình, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Tham mưu xử lý kịp thời, chính xác ngay từ cơ sở, không mắc mưu tạo cớ, không để bị động, bất ngờ, nhất là bất ngờ về chiến lược.

3. Duy trì nghiêm các chế độ sẵn sàng chiến đấu; chuẩn bị các phương án tác chiến phù hợp, xử lý chính xác, kịp thời các tình huống chiến lược, chiến dịch. Chỉ đạo nâng cao chất lượng huấn luyện, sức mạnh tổng hợp cho các đơn vị trong toàn quân. Thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tổng kết từ thực tiễn hoạt động quân sự, tham mưu cho Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương những vấn đề cơ bản để làm căn cứ xác định, bổ sung, phát triển đường lối, nghệ thuật quân sự, định ra các thể chế, hoạch định các chính sách đối với lực lượng vũ trang và những vấn đề liên quan đến quốc phòng. Tập trung tổng kết kinh nghiệm thực tiễn các cuộc chiến tranh trước đây và các cuộc chiến tranh trên thế giới gần đây để truyền thụ kinh nghiệm vận dụng vào chỉ đạo huấn luyện chiến đấu, giáo dục đào tạo cho toàn quân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

4. Xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, Cơ quan Bộ Tổng Tham mưu vững mạnh toàn diện; tổ chức biên chế phù hợp, hoàn thành tốt chức năng tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng dự báo và xử lý tốt các tình huống, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại, chiến tranh công nghệ cao.

5. Xây dựng đội ngũ cán bộ Bộ Tổng Tham mưu có bản lĩnh chính trị vững vàng, trí tuệ, mưu lược, luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân và Quân đội. Đồng thời, phải có năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, nắm vững khoa học quân sự, hiểu biết thực tiễn, tư duy chiến lược sắc sảo, xử lý chính xác, kịp thời các tình huống, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

6. Làm tốt công tác đối ngoại quốc phòng, thực hiện đúng đường lối đối ngoại của Đảng. Tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng nhất là các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào, Campuchia, các nước trong khối ASEAN, các nước có quan hệ truyền thống.

Những kinh nghiệm của hoạt động công tác xây dựng cơ quan tham mưu chiến lược trong 70 năm qua vẫn còn nguyên giá trị, cần được phát huy lên một tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục