Thừa Thiên-Huế có nhiều bảo tàng, sở hữu một kho hiện vật và tư liệu đồ sộ, phong phú và giá trị. Tuy nhiên, hầu hết các bảo tàng này vẫn rơi vào hoàn cảnh “vắng khách” tham quan. Nguồn lực đầu tư hạn chế là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động của các bảo tàng chưa thực sự nổi bật để trở thành lựa chọn hấp dẫn trên hành trình khám phá lịch sử, văn hóa mảnh đất Cố đô của du khách.
Vì vậy, việc đổi mới hoạt động bảo tàng trở thành một sản phẩm du lịch thu hút du khách là vấn đề cần được đặt ra hiện nay.
Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện lưu giữ khoảng 30 nghìn hiện vật, chủ yếu ở giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Sau hơn 40 năm “tá túc” tại Di tích Quốc Tử Giám (một công trình thuộc quần thể Di tích Cố đô Huế được công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt), năm 2020, Bảo tàng đã di dời các hiện vật trưng bày ngoài trời gồm các loại máy bay, xe tăng đến địa điểm mới tại 268 Điện Biên Phủ, thành phố Huế.
Tuy nhiên, những hiện vật nằm ở không gian trưng bày trong nhà vẫn chưa được di dời đi nên Bảo tàng gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. Theo lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế, năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh có Quyết định về việc phê duyệt chủ trương đầu tư di dời, nâng cấp Bảo tàng Lịch sử tỉnh đến địa điểm mới với tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí gặp nhiều khó khăn, công tác di dời chưa được hoàn thành như kế hoạch.
Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh cho biết, đơn vị vẫn đang sử dụng các dãy nhà ngang ở địa điểm Di tích Quốc Tử Giám nên gặp nhiều khó khăn về diện tích trưng bày cũng như lưu giữ hiện vật.
[Bài 1: Đưa bảo tàng thành điểm đến hấp dẫn: Phát huy giá trị kho hiện vật]
Số lượng hiện vật lớn, trong khi hệ thống cơ sở vật chất, kho bảo quản của bảo tàng đã xuống cấp, hư hỏng gây khó khăn trong quá trình bảo quản hiện vật, nhất là các hiện vật bằng giấy, vải. Ngoài ra, hiện vật ngoài trời và trong nhà trưng bày ở hai địa điểm khác nhau nên tính kết nối chưa thống nhất.
Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là một công trình kiến trúc nằm trong Quần thể Di tích Cố đô Huế. Điều này mang ý nghĩa độc đáo nhưng cũng nảy sinh yếu tố bất lợi về không gian trưng bày.
Hiện nay, không gian trưng bày chính trong nhà của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế rộng khoảng 1.200m2, không gian trưng bày ngoài trời cũng hạn chế. Đáng chú ý, khoảng 10.000 hiện vật các loại của bảo tàng lại đang được bảo quản trong một không gian chật hẹp chỉ rộng 600m2, vốn được xây dựng từ năm 1927. Dãy nhà làm việc của cán bộ, nhân viên bảo tàng được cải tạo tận dụng từ một dãy nhà được xây dựng trước năm 1968.
Theo Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế Huỳnh Thị Anh Vân, do không gian tại điện Long An nhỏ hẹp, đơn vị thường chỉ tổ chức trưng bày những chuyên đề quy mô nhỏ, trong khi số hiện vật đang lưu giữ rất lớn, phong phú về thể loại.
Nếu có một không gian rộng lớn, Bảo tàng có thể trưng bày giới thiệu một cách đầy đủ, bao quát về giai đoạn các chúa Nguyễn và triều đình nhà Nguyễn để du khách có thể tìm hiểu, khám phá sâu hơn về lịch sử dân tộc. Chưa kể, không gian chật chội còn ảnh hưởng đến việc bảo quản hiện vật liên quan đến những điều kiện khắt khe về độ ẩm, nhiệt độ nhất là những hiện vật có chất liệu bằng vải, giấy có niên đại hàng trăm năm…
Hiện nay, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế trực thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. Theo tìm hiểu, kế hoạch triển khai xây dựng mở rộng thêm cơ sở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đã nhiều năm có nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên-Huế nằm ở vị trí rất đẹp ngay sát bờ sông Hương thơ mộng nhưng số lượng khách du lịch ghé thăm rất ít. Các đơn vị lữ hành chưa kết nối hình thành tour để đưa du khách tới tham quan. Theo Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên-Huế Lê Thùy Chi, đó cũng là nỗi trăn trở bấy lâu của cán bộ, nhân viên Bảo tàng.
Điều này được lý giải có lẽ một phần do Quần thể Di tích Cố đô Huế quá nổi tiếng trong nước và quốc tế nên du khách ít biết đến thời gian thời niên thiếu của Bác Hồ và gia đình đã gắn bó với mảnh đất này. Bên cạnh đó, trụ sở cũng đồng thời là không gian trưng bày của Bảo tàng được xây dựng cách đây 20 năm nên đang bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai ý tưởng trưng bày để đáp ứng nhu cầu tham quan tìm hiểu của du khách.
Hiện nay, khách đến tham quan Bảo tàng và những điểm di tích về Bác Hồ ở Thừa Thiên-Huế chủ yếu là học sinh các trường học tìm về trong những chương trình ngoại khóa.
Đưa bảo tàng trở thành sản phẩm du lịch
Theo ông Trần Hữu Thùy Giang, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, để thực sự trở thành một sản phẩm du lịch, các bảo tàng chú trọng việc cập nhật, bắt nhịp xu hướng phát triển chung của các bảo tàng trong nước, khu vực và thế giới. Đặc biệt, các bảo tàng cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, hướng đến sự chuyên nghiệp trong quản lý, điều hành, sáng tạo trong xây dựng hệ thống sắp đặt, trưng bày và phục vụ khách du lịch, ví dụ điển hình hiện nay ở nước ta có Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Các nước trên thế giới như Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản đều có những mô hình bảo tàng hoạt động hiệu quả, luôn nằm trong top địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách quốc tế.
Ông Trần Hữu Thùy Giang cho rằng, bên cạnh sự đầu tư thích đáng về nguồn lực kinh tế, cần nâng cao trình độ, thay đổi nhận thức và phong cách làm việc của người làm công tác bảo tàng, trong đó chú trọng đến hoạt động truyền thông, giới thiệu về bảo tàng để thu hút khách tham quan.
Các bảo tàng chủ động liên kết, phối hợp với ngành du lịch trong việc kết nối với những hãng lữ hành, các đơn vị khai thác phát triển sản phẩm, điểm đến để khai thác hiệu quả tiềm năng từ du lịch, từ đó đưa bảo tàng trở thành điểm đến quen thuộc, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Thừa Thiên-Huế đang đề ra mục tiêu trong vòng 10 năm tới, sẽ có khoảng 5-7 bảo tàng ngoài công lập ra đời. Tỉnh đang xúc tiến kêu gọi để các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng hai bảo tàng ngoài công lập phù hợp với các đề án và định hướng phát triển của tỉnh như Bảo tàng Ẩm thực và Bảo tàng Áo dài. Về Bảo tàng Ẩm thực, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam và Công ty Vietravel đang nghiên cứu khảo sát đầu tư xây dựng.
Việc đổi mới phát triển các bảo tàng công lập và ngoài công lập không chỉ góp phần ngăn chặn tình trạng “chảy máu” cổ vật, mà còn giúp nâng cao chất lượng và đa dạng hệ thống trưng bày tại vùng đất di sản Cố đô Huế, tạo thêm sự hấp dẫn riêng biệt cho ngành du lịch địa phương trên bản đồ du lịch Việt Nam./.