Du xuân ở Thiền
viện Giác Tâm, Quảng Ninh, khách yêu cảnh đẹp được mãn nhãn, người sâu
thẳm tín ngưỡng được thỏa nguyện.
Ngày đầu xuân, thả mình vào một hành trình du xuân để cầu ước một năm mới an lành, phóng viên chúng tôi thật sự đã có được những ấn tượng khó quên. Ấn tượng về sắc nước, về bầu trời mênh mang trong hành trình đã đem đến những thu hoạch bất ngờ. Đó là cuộc hành hương đầu xuân đi về phía biển. Những điểm khác với nhiều lễ hội Cách đây ít lâu cư dân mạng xôn xao với hình ảnh chuột Lễ Phật ở Thiền viện Giác Tâm trong quần thể tín ngưỡng chùa Cái Bầu, Quảng Ninh. Khi ấy, có không ít người đã muốn nhân mùa du xuân Quý Tỵ thử đến chốn linh thiêng, kỳ lạ ấy xem thế nào. Và rồi câu chuyện chuột lễ Phật lại thành chuyện nhỏ. Khi ở đây … có nhiều điều khác với các lễ hội, nơi cầu cúng trước nay. 4h sáng, chúng tôi lên xe ô tô khởi hành từ Hà Nội, đi hành hương từ bóng đêm ra ánh ngày. Đến 9h ngời nắng xuân, cả đoàn xuống xe đứng nhìn ra vịnh Bái Tử Long đẹp như trong mơ.
Gối tựa vào núi nhìn ra vịnh biển, chùa Cái Bầu và Thiền Viện Giác Tâm đem đến một cảm nhận thanh thoát, khoáng đạt đến lạ kỳ. Cảm hứng với thiên nhiên kì vĩ tràn vào tâm hồn người thưởng ngoạn và hòa trong niềm nhất tâm cầu an vui. Cùng trải nghiệm và trao đổi với những bạn đồng hành biết trước, cũng như bạn đồng hành ngẫu nhiên được gặp, chúng tôi cùng có được những thu nhận quý giá. Đó là những điều khác ở chốn môn Thiền, cửa Phật này. Đó là sự sạch sẽ, khang trang đến đặc biệt. Tại đây, không có quán cóc, không người đeo bám, không có cả màu sắc “thị trường” như thường thấy ở những nơi mới dựng xây có chủ ý nhằm thu hồi đồng vốn. Tất cả là thoải mái và tùy tâm. Từ bãi giữ xe ô tô cho đến các điểm ngỡ là dịch vụ thì chỉ thấy một hòm công đức khiêm tốn tùy ý khách. Nếu khách không bỏ tiền vào cũng không ai để ý, nhắc nhở gì. Chúng tôi bất ngờ nhất là khi được nhà chùa phát mời ăn cơm chay miễn phí. Cơm nóng ngon, sạch sẽ. Nhà bếp cùng lúc tiếp hàng mấy trăm thực khách. Với lời khuyến cáo nhẹ nhàng viết trên đôi tấm bảng: “Xin đừng đổ bỏ cơm, nếu ăn không đủ có thể ăn thêm”.
Phật tử chỉ cần đứng nối vào hàng là những đĩa cơm nóng có thức ăn chay bày ở trên, canh rau xanh sạch sẽ được múc trao tận tay. Về bàn ăn, nếu khách ăn thấy ngon miệng có thể thêm mấy đĩa cũng được. Nhà chùa không thu một đồng phí nào và cũng không có một dòng chữ gợi nhắc về tiền công đức nào trong khu vực mời cơm cho khách. Điều lạ và thú vị nhất là ăn cơm xong, ai cũng phải tự rửa bát của người ấy. Cả hàng vòi nước sạch, với nước rửa, khăn và giá úp ngay ngắn. Chúng tôi không khỏi thú vị khi thấy những người đàn ông xếp hàng rửa đĩa bát của mình rất “tuân thủ” và ngay ngắn. Ngay cả khu vực vệ sinh cũng gây bất ngờ. Khách được yêu cầu bỏ giày dép phía ngoài, đi chân không bước vào thảm len. Khi vào khu vệ sinh, khách có sẵn dép “chuyên dụng” rất sạch. Một bước chân qua là có nhân viên lau sạch, tất cả không một dấu dơ. Ai cũng thoải mái, nhẹ nhàng. Không đặt ra vấn đề thu lợi nhuận Chị Hương, một cô giáo ở Hà Nội tâm sự: “Tôi đã đi lễ, đi hội nhiều và luôn xác định khó tránh cảnh chen lấn xô đẩy. Lắm khi nghĩ đến mà ngại đi, nhưng đến hôm nay thấy thoải mái và yên tâm quá. Thiên nhiên đẹp, chùa và Thiền viện sạch sẽ. Đi lễ chỉ để lễ, ngắm cảnh là thả hồn không vướng bận nỗi khó chịu nào.” Chị Ngọc, một khách hành hương từ Hà Nội đồng tình: “Đầu năm cần phải đến những chốn thế này mới nhàn tâm. Không đi tận nơi, mà nghe nói người ta dễ tưởng chỉ là giới thiệu cho hay. Giờ có thể thấy rằng khi Ban quản lý các Lễ hội, các đền chùa danh thắng mà quyết tâm làm nghiêm thì ắt sẽ tốt đẹp như ở đây thôi.” Bác Nguyễn Thông – một du khách cao niên người Kiến An, Hải Phòng nhận định: “Quan trọng là không đặt ra vấn đề thu lợi nhuận. Tiền công đức là tiền của Phật tử, trước tiên để đãi ngộ cho Phật tử, rồi dư ra mới là để củng cố hoặc tạo quỹ về sau cho bổn chùa.”
Nhiều du khách bàn thêm rằng, với những đồng lẻ khách phương xa đặt lễ thì không ít trường hợp tiền giọt dầu chưa đủ cho chỗ thức ăn được thụ lộc của nhà chùa. Nhưng những người có điều kiện vật chất lại là người tâm phúc sẵn sàng phát tâm từ thiện bằng đóng phí nuôi cơm cho đồng bào mình. Thế nên cũng thật đáng quý! Trong hành trình du xuân ấy, khách được thỏa ngắm biển trời đến khoảng giữa ngày. Sau đó, khách hành hương có thể đi lễ ở đền Cô bé Cửa Suốt, về Cẩm Phả lễ đền Cửa Ông, tới đền thờ Mẫu cùng trong quần thể tín ngưỡng này. Khoảng 9h tối về đến Hà Nội, khách yêu cảnh đẹp được mãn nhãn, người sâu thẳm tín ngưỡng được thỏa nguyện. Hành trình du xuân, hành hương về Quảng Ninh hẳn là gợi ý đẹp mùa xuân này./.
Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm tại thôn 1, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, cách trung tâm thị xã Cái Rồng khoảng 4km về hướng đông. Thiền viện nằm ở vị trí tuyệt đẹp ngay trên bờ biển, mặt hướng ra vịnh Bái Tử Long, lưng tựa vào sườn núi. Nơi đây có nhiều di tích lịch sử, đền thờ các vị chí sĩ trung kiên, giàu lòng yêu nước, nhân ái cứu giúp dân nghèo. Công trình xây dựng trải qua 2 giai đoạn (2007-2009; 2009-20011) cơ bản hoàn thành các hạng mục chính và đưa vào sử dụng, đến nay hoàn tất thêm các công trình Tượng Đài Bồ Tát Di Lặc và kiến tạo lại ngôi chùa cũ và đền thờ Ngài Đông Hải Đại Vương. Đây là những công trình thiết thực để thể hiện tấm lòng của người con Phật, đồng thời để bày tỏa lòng thành kính tưởng nhớ, tri ân sâu sắc đến tiền nhân đã anh dũng hy sinh, giữ gìn yên bình cho đất nước. |