Tờ Die Welt (Thế giới) của Đức ngày 18/9 đăng bài phân tích cho rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đang nỗ lực "hạ nhiệt" cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước. Tuy nhiên, sự sụt giảm đáng kể trữ lượng vàng gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy tình hình thực tế không khả quan.
Theo tính toán của Bloomberg, dự trữ vàng của Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ hiện chỉ còn khoảng 15,5 triệu ounce, giảm 4 triệu ounce so với 3 tháng trước đó. Trong vài tuần gần đây, trữ lượng kim loại quý này đã giảm khoảng 20%.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng đồng lira (đồng tiền của Thổ Nhĩ Kỳ), vàng có thể mang lại sự ổn định đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và giúp Tổng thống Erdogan "tự tin hơn."
Trên thực tế, trong những năm gần đây, sự gia tăng đều đặn của trữ lượng vàng đã giúp Thổ Nhĩ Kỳ chống lại sự suy yếu của đồng lira.
[S&P dự đoán Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới]
Tuy nhiên, rõ ràng cuộc khủng hoảng hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ là rất nghiêm trọng. Cuộc khủng hoảng này đã khiến nhiều người dân phải bán vàng để thanh khoản cho USD, đặc biệt là các ngân hàng tư nhân.
Từ giữa tháng 6/2018 đến nay, các ngân hàng tư nhân đã bán trữ lượng vàng trị giá 4,5 tỷ USD, phần lớn tập trung trong tháng 7/2018. Ngày 13/8, giới quản lý chính sách tiền tệ đã giảm bớt các yêu cầu dự trữ vàng cho các ngân hàng thương mại.
Nghị định tẩy chay đồng USD gây bất ổn
Trên thị trường chứng khoán, sự lo ngại trước cuộc khủng hoảng ngân hàng được cảm nhận rõ rệt. Chỉ số ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 50% so với mức đỉnh điểm đạt được trong tháng 1/2018.
Ankara có lẽ sẽ phải nói "lời tạm biệt" một số gói cứu trợ trong tuần này do những khoản nợ xấu. Nhiều công ty của Thổ Nhĩ Kỳ (ví dụ như các công ty phát triển bất động sản) đang mắc nợ bằng đồng USD hoặc đồng euro, mặc dù họ đang kinh doanh bằng đồng lira.
Sau sự sụp đổ của hệ thống tiền tệ, giờ đây các công ty này thấy rằng không thể đáp ứng được những khoản vay của họ. Sự bất ổn chắc chắn sẽ tiếp tục tăng bởi nghị định tẩy chay đồng USD do Tổng thống Erdogan ban hành ngày 13/9.
Theo đó, tất cả các giao dịch bất động sản và cho thuê phải được giao dịch bằng đồng lira và ngoại tệ phải được chuyển đổi trong vòng 30 ngày.
Dự trữ vàng là một chỉ số khủng hoảng mới
Brad Bechtel - nhà chiến lược tiền tệ tại Ngân hàng đầu tư Jefferies của Mỹ- khẳng định cuộc khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ đang leo thang. Điều này cũng được phản ánh thông qua số liệu vàng. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước có nhu cầu dự trữ vàng trong dân lớn nhất. Riêng năm 2017, người dân đã mua 94 tấn vàng. Về trữ lượng vàng, Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ 5 sau Đức, Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc.
Dự trữ vàng đã trở thành một chỉ số khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này sẽ phải trả nợ 118 tỷ USD các khoản vay ngoại tệ ngắn hạn trong 12 tháng tới, với 15% các ngân hàng nhà nước và 44% cho các tổ chức tư nhân.
Nhiều tổ chức đã trả các khoản nợ bằng vàng hoặc bán vàng lấy USD để trả nợ.
Đây sẽ là một dấu hiệu không thể nhầm lẫn cho thấy cuộc khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ đang leo thang.
Theo chuyên gia Manuel Schimm của Ngân hàng bang Bayern, "Thổ Nhĩ Kỳ đang trên bờ vực phá sản trong ngắn hạn và trung hạn."
Ngoài các vấn đề chính trị và xã hội, cấu trúc kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng bộc lộ những thiếu sót: Thiếu sức mạnh sáng tạo, rào cản cạnh tranh, mô hình tăng trưởng tiêu dùng, tín dụng và sự phụ thuộc lớn vào nguồn vốn nước ngoài.
Ông Schimm dự đoán rằng trong trường hợp không có tài nguyên thiên nhiên, chính quyền của Tổng thống Erdogan sẽ không thành công về mặt kinh tế lẫn cạnh tranh quốc tế, cũng không tạo ra sự hấp dẫn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài./.