Trang Quỹ Nhà quan sát (ORF) mới đây đăng bài nghiên cứu về những lợi ích thu được và chi phí duy trì kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của Ấn Độ.
Ngày 23/11, chính quyền Mỹ cho phép xuất kho 50 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) do Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) quản lý.
50 triệu thùng dầu là khoảng một nửa lượng tiêu thụ dầu toàn cầu mỗi ngày và khoảng ba ngày tiêu thụ dầu của Mỹ.
Giá dầu chạm mức chưa từng thấy trong 7 năm là lý do khiến Mỹ quyết định mở kho dự trữ dầu chiến lược.
Theo lời của DOE, việc xuất từ SPR nhấn mạnh cam kết của Tổng thống Mỹ trong việc sử dụng các công cụ có sẵn để giảm chi phí cho các gia đình lao động (bằng cách giảm giá bán lẻ xăng ở Mỹ) và tiếp tục phục hồi kinh tế.
Quyết định xuất dầu từ SPR của Mỹ được phối hợp với các quyết định song song ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh.
[IEA hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu do biến thể Omicron]
Phần của Ấn Độ trong việc phối hợp xuất kho dầu dự trữ là 5 triệu thùng, bằng 1/10 lượng xuất kho từ SPR của Mỹ, không đủ để ảnh hưởng đến giá dầu vì thế giới tiêu thụ 100 triệu thùng/ngày.
Mục tiêu xuất dầu từ SPR đã không đạt được, do giá dầu tăng nhẹ 1 USD/thùng sau khi có thông báo việc xuất dầu từ SPR.
Nhưng tin tức về một biến thể COVID-19 mới ở Nam Phi được công bố ngày 26/11 đã làm giá dầu giảm 10%.
Điều này cho thấy rằng kỳ vọng tăng trưởng nhu cầu dầu bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như đại dịch đóng vai trò chi phối giá dầu nhiều hơn là kỳ vọng về sự điều chỉnh nguồn cung. Sự "bất lực" của việc xuất dầu từ SPR đặt ra câu hỏi về chi phí và lợi ích của việc duy trì SPR.
Kho dự trữ dầu chiến lược của Ấn Độ
Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của Ấn Độ, thuộc quản lý của Công ty Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược Ấn Độ (ISPRL) do nhà nước kiểm soát, được thành lập năm 2004 với tư cách là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Indian Oil và sau đó được bàn giao cho Ban Phát triển Công nghiệp Dầu mỏ (OIDB) năm 2006.
Theo giai đoạn một, ISPRL thành lập các kho chứa xăng dầu với tổng công suất 5,33 triệu tấn (MT) tại 3 địa điểm: Visakhapatnam (1,33 MT), Mangalore (1,5 MT), và Padur (2,5 MT); tất cả được đổ đầy dầu thô dự trữ. Con số này đủ để đáp ứng nhu cầu dầu thô của Ấn Độ trong 9,5 ngày.
Tháng 7/2021, Chính phủ Ấn Độ phê duyệt việc thành lập thêm hai cơ sở chiến lược kiêm thương mại với tổng công suất lưu trữ là 6,5 tấn kho chứa dưới lòng đất tại Chandikhol (4 tấn) và Padur (2,5 tấn) theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong giai đoạn hai của Chương trình SPR. Khi giai đoạn hai hoàn thành, lượng dầu dự trữ sẽ đáp ứng thêm 12 ngày nhu cầu dầu thô của Ấn Độ.
Chi phí vốn để xây dựng các cơ sở SPR (giai đoạn một) ban đầu được ước tính là 23,97 tỷ INR theo giá tháng 9/2005. Ước tính chi phí tu sửa cho ba địa điểm là 40,98 tỷ INR. Hầu hết chi phí vốn được đáp ứng bằng nguồn vốn có sẵn của OIDB trong khi Tập đoàn Dầu khí Hindustan (HPCL) chi trả chi phí khoảng 0,3 tấn dầu tại Visakhapatnam.
Chi phí vận hành và bảo dưỡng của các kho dự trữ chiến lược do Chính phủ Ấn Độ chi trả. Trong năm 2019-2020, ISPRL ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 1 tỷ INR.
Tìm điểm cân bằng giữa chi phí và lợi ích
Giá dầu tăng mạnh vào cuối những năm 1970 đã xác định lại chính sách năng lượng của các quốc gia công nghiệp phát triển, từ một quốc gia quản lý sự dồi dào sang một quốc gia quản lý sự khan hiếm.
Các nước ở Tây Âu, ngoại trừ Pháp và Mỹ, đã đạt được thỏa thuận thành lập Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) năm 1974 để đối trọng với Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Pháp và Mỹ tham gia IEA sau đó.
IEA đã thông qua một thỏa thuận giữa các nước thành viên yêu cầu duy trì các kho dự trữ dầu chiến lược để giảm thiểu rủi ro về nguồn cung.
Tất cả các nước thành viên nhập khẩu dầu của IEA có nghĩa vụ giữ các kho dự trữ dầu khẩn cấp tương đương với lượng dầu nhập khẩu ròng của ít nhất 90 ngày.
Các nước công nghiệp phát triển do IEA đại diện đã thúc đẩy Trung Quốc và Ấn Độ xây dựng và duy trì các kho dự trữ dầu chiến lược để giải quyết rủi ro về giá và nguồn cung trong ngắn hạn. Việc xuất dầu từ SPR có khả năng giúp giảm giá dầu tạm thời trong trường hợp thị trường biến động mạnh.
Mặc dù dự trữ dầu chiến lược được các nhà hoạch định chính sách khuyến khích như là cách tốt nhất bảo đảm đối phó với những cú sốc về nguồn cung, nhưng câu hỏi vẫn là liệu chi phí cao để duy trì những kho dự trữ này có mang lại lợi ích hay không, đặc biệt là đối với các nền kinh tế đang phát triển.
Về mặt lý thuyết, việc xuất dầu từ SPR của các quốc gia công nghiệp phát triển giàu có thể khiến giá dầu giảm và mang lại lợi ích cho toàn cầu. Do đó, các nước nghèo có thể "hưởng lợi miễn phí" từ SPR mà các nước công nghiệp phát triển nắm giữ.
Nhưng các nước công nghiệp phát triển đã gây áp lực lên Ấn Độ và Trung Quốc, hiện là những nước nhập khẩu dầu lớn để chia sẻ gánh nặng nắm giữ dự trữ SPR.
Hầu hết các nghiên cứu ước tính rằng chi phí cơ hội của việc nắm giữ dầu thô lớn hơn chi phí của dầu thô. Để giảm chi phí này, nên bán đấu giá hoặc mua bán dầu trong SPR.
Ấn Độ bắt đầu bán dầu thô từ SPR cách đây 5 tháng vào tháng 7/2021, sau tin tức về quyết định bán đấu giá dầu thô từ SPR của Trung Quốc. Mục tiêu của Ấn Độ là thương mại hóa dự trữ dầu thô SPR để tạo ra doanh thu bằng cách sử dụng các kho dự trữ dầu để kinh doanh.
Logic đằng sau việc này là chính phủ mua dầu thô ở mức thấp hơn và cung cấp trên thị trường nội địa khi giá tăng. Ví dụ, dầu thô SPR của Trung Quốc được mua vào tháng 4-5/2020 khi giá dầu khoảng 40 USD/thùng, và được bán đấu giá vào ngày 24/9/2021 ở mức 65-70 USD/thùng, giúp cải thiện tình hình tài chính nhà nước.
ISPRL cho Công ty Dầu Quốc gia Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) thuê công suất để chứa 750.000 tấn dầu thô theo một thỏa thuận giữa chính phủ với chính phủ. ISPRL có kế hoạch cho các nhà đầu tư quốc tế thuê thêm 30% công suất với tùy chọn xuất khẩu dầu thô.
Theo bài viết, nhìn chung, SPR giống như một chính sách bảo hiểm đối phó với các cú sốc giá hoặc nguồn cung dầu trong tương lai. Phí bảo hiểm là chi phí duy trì SPR. Vấn đề là liệu phí bảo hiểm có hợp lý hay không. Tầm quan trọng chiến lược của dầu mỏ đã giảm đi đáng kể một phần do nguồn cung dầu mỏ dồi dào và một phần do nhận thức tiêu cực về dầu mỏ và các nhiên liệu hóa thạch khác là nguồn phát thải carbon.
Các cú sốc nguồn cung dầu không chỉ ngày càng ít mà còn tồn tại trong thời gian ngắn. Lợi ích của việc xuất kho SPR trong việc điều chỉnh giá dầu có lẽ đã bị phóng đại quá mức như diễn biến gần đây nhất đã minh họa.
Việc duy trì SPR có lẽ là hợp lý trong hoàn cảnh hiện tại vì dầu vẫn sẽ là nền tảng cho hầu hết các nguồn năng lượng khác bao gồm năng lượng tái tạo (trong sản xuất và vận chuyển thiết bị năng lượng tái tạo). Tuy nhiên, trong tương lai, giá trị của bảo hiểm lưu trữ dầu có thể phải được đánh giá lại./.