Dự trù chi phí tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2 giảm 5.800 tỷ đồng

Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2 đoạn Trần Hưng Đạo-Thượng Đình sau khi rà soát, tính toán lại các chi phí đã giảm được tới 5.825 tỷ đồng (giảm gần 1.000 tỷ đồng/km đường sắt đi ngầm).
Ảnh minh họa. (Ảnh: Googlemap)

Dự  án tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2 đoạn Trần Hưng Đạo-Thượng Đình sau khi rà soát, tính toán lại, các chi phí đã giảm được tới 5.825 tỷ đồng (giảm gần 1.000 tỷ đồng/km đường sắt đi ngầm).

Đây là nội dung chính vừa được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giải trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau khi Bộ này thẩm định về đề xuất dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2 đoạn Trần Hưng Đạo-Thượng Đình dự kiến sử dụng vốn ODA Nhật Bản.

[Chi phí 10 tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội lên tới hơn 40 tỷ USD]

Theo đề xuất của dự án được lập vào tháng 3/2017, tổng mức đầu tư của dự án dự kiến là 34.743 tỷ đồng (được lấy căn cứ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án lập năm 2012) với chiều dài tuyến 5,9km đi ngầm, ước tính chi phí đầu tư trung bình là 5.888 tỷ đồng/km.

Ngay sau đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội tính toán lại tổng mức đầu tư trên cơ sở tham khảo đơn giá, suất đầu tư điều chỉnh của dự án và được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để tính toán lại tổng mức đầu tư của tuyến đường sắt này là 28.918 tỷ đồng (giảm 5.825 tỷ đồng).

Như vậy, tính bình quân, mỗi km đường sắt đô thị tuyến số 2 đã giảm gần 1.000 tỷ đồng sau rà soát.

Việc giảm tổng mức đầu tư được Ủy ban Nhân thành phố Hà Nội lý giải là do rà soát, tính toán lại các chi phí về xây dựng; chi phí mua sắm, xây dựng và lắp đặt hệ thống đường sắt; chi phí quản lý dự án của chủ đầu tư; chi phí tư vấn đầu tư và xây dựng; lãi vay và dự phòng, bồi thường giải phóng mặt bằng...

"Tổng mức đầu tư này mới chỉ là dự kiến ở giai đoạn đề xuất dự án, việc làm rõ căn cứ suất đầu tư và tổng mức đầu tư cũng như phân tích, rà soát loại bỏ các chi phí không thực sự cần thiết nhằm đảm bảo hiệu quả của dự án sẽ được phân tích, đánh giá và lập trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi," Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh.

Về cơ chế tài chính áp dựng cho dự án, theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, tổng vốn vay ODA vay lại của dự án là 18.649,5 tỷ đồng, vốn đối ứng dành cho giải phóng mặt bằng và các chi phí quản lý, tư vấn, các loại thuế là 5.606 tỷ đồng.

Về cơ chế huy động vốn, hiện nay dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư để kêu gọi ODA nên chưa thể đưa ra cơ chế, phương án huy động vốn cụ thể, việc này sẽ được phân tích làm rõ trong các giai đoạn chuẩn bị đầu tư tiếp theo của dự án.

Liên quan dự án này, lãnh đạo Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, theo quy định của Luật đầu tư công và Luật Xây dựng, sau khi đề xuất dự án được thông qua sẽ tổ chức lập và trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để Chính phủ xem xét, trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Trên cơ sở đó, Hà Nội sẽ tiến hành lập thiết kế cơ sở và báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) trình Chính phủ phê duyệt dự án.

Hiện, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội đang phối hợp với các Sở, ngành của Hà Nội làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để sớm trình Chính phủ thông qua đề xuất dự án.

[Phó Thủ tướng chỉ đạo triển khai các dự án đường sắt đô thị Hà Nội]

Được biết, trong giai đọan 2021-2025, thành phố Hà Nội chỉ triển khai 2 tuyến đường sắt đô thị sử dụng vốn ODA là tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn ga Hà Nội-Hoàng Mai (vốn ODA vay lại ước tính 19.463 tỷ đồng) và tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Trần Hưng Đạo-Thượng Đình (vốn ODA vay lại 18.649 tỷ đồng).

Tổng vốn ODA vay lại của 2 dự án này là 38.130 tỷ đồng là nằm trong hạn mức vay dự kiến giai đoạn 2021-2025 của thành phố và Hà Nội sẽ điều hành cân đối các nguồn vay và trả nợ gốc trong giai đoạn 2020-2030 để đảm bảo việc vay vốn cho dự án không làm cho tổng dự nợ của thành phố vượt quá 80% số thu ngân sách địa phương được hưởng.

Tuyến đường sắt đô thị số 2 của thành phố Hà Nội được coi là tuyến đường sắt đô thị xương sống cho khu vực đô thị hiện tại và trong tương lai. Đây là tuyến đường sắt đô thị cần được ưu tiên đầu tư trong đó ưu tiên đoạn đi qua trung tâm thành phố từ khu vực Nam Thăng Long (Bắc Từ Liêm) đến Thượng Đình (Thanh Xuân).

Tuyến đường sắt này sau khi hoàn thành theo quy hoạch sẽ kết nối các khu vực tập trung dân cư lớn của Hà Nội, đó là khu đô thị mới phía Bắc sông Hồng kết nối với sân bay Nội Bài, khu đô thị cổ, cũ, mới phía Nam sông Hồng đến Thượng Đình.

Tuyến đường sắt đô thị số 2 hoàn thành sẽ đóng góp tích cực vào việc phát triển mạng lưới giao thông công cộng, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông, giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông, tiết kiệm thời gian đi lại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục