Dự thảo tuyên bố chung COP26 đề cập rõ ràng về nhiên liệu hóa thạch

Dự thảo tuyên bố chung của COP26, đang đi đến những giờ làm việc chính thức cuối cùng, được cho là có nội dung đảm bảo cân bằng giữa nhu cầu và lợi ích của các nước giàu và các nước nghèo.
Toàn cảnh một phiên họp của Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (COP 26) tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) ngày 11/11/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Toàn cảnh một phiên họp của Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (COP 26) tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) ngày 11/11/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dự thảo tuyên bố chung của Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) công bố ngày 12/11 đã kêu gọi các nước giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Bản dự thảo được công bố trong bối cảnh hội nghị kéo dài 2 tuần kèm theo các cuộc đàm phán gai góc đang đi đến những giờ làm việc chính thức cuối cùng.

Bản dự thảo mới được cho là có nội dung đảm bảo cân bằng giữa nhu cầu và lợi ích của các nước giàu và các nước nghèo.

Dự thảo được đăng trên trang web chính thức của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) có nội dung hối thúc các nước đẩy nhanh tiến trình loại bỏ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá "không trang bị công nghệ thu giữ khí thải carbon" và các hoạt động trợ cấp chính phủ "không hiệu quả" cho nhiên liệu hóa thạch.

Như vậy, so với dự thảo trước đó, dự thảo mới đã bổ sung những cụm từ nhằm cụ thể hóa các loại hình nhà máy nhiệt điện và các loại hình trợ cấp chính phủ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch cần loại bỏ.

Và đây cũng là lần hiếm hoi mà các loại nhiên liệu hóa thạch, bị cho là làm gia tăng tình trạng ấm lên toàn cầu, được nhắc đến trong tuyên bố chung trong suốt hơn 2 thập kỷ kể từ hội nghị khí hậu đầu tiên được Liên hợp quốc tổ chức.

Ngày 11/11, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định các kế hoạch khí hậu mà các nước đưa ra sẽ là "rỗng tuếch" nếu không có các cam kết nhanh chóng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Bên cạnh đó, một phần nội dung dự thảo cũng yêu cầu các quốc gia mang đến các kế hoạch cắt giảm khí thải tham vọng hơn trong hội nghị diễn ra vào năm 2022, tức là sớm hơn 3 năm so với yêu cầu được nêu trong Hiệp định Paris về khoảng thời gian mà các nước phải đệ trình các kế hoạch mới.

[Hội nghị COP 26 - bệ phóng cho thị trường tín chỉ carbon]

Nước chủ nhà Anh mong muốn Hội nghị COP26 sẽ hướng các nước đến cam kết cụ thể là kiềm chế mức nhiệt tăng toàn cầu ở 1,5 độ C. Tuy nhiên, dựa trên các cam kết cắt giảm khí thải hiện tại từ các quốc gia, giới khoa học ước tính Trái Đất sẽ ấm lên 2,7 độ C vào cuối thế kỷ này.

Việc dự thảo vẫn giữ nguyên yêu cầu cốt lõi là các quốc gia phải đưa ra cam kết cao hơn trong năm tới được cho là sẽ làm hài lòng các nước nghèo hơn vốn mong muốn tăng cường các hành động để ứng phó với tình trạng gia tăng các trận bão, lũ và cháy rừng, nước biển dâng.

Theo dự thảo, việc nâng các cam kết cũng sẽ được xem xét dựa trên các hoàn cảnh quốc gia cụ thể, đề cập tới những khác biệt giữa các nước giàu và nước nghèo.

Các quốc gia đang phát triển cho rằng sẽ là không công bằng nếu họ phải cắt giảm khí thải và giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch cùng tốc độ với các nước giàu vốn đã qua thời kỳ phát thải nhiều và cũng là nhóm phát thải chính dẫn đến tình trạng ấm lên toàn cầu như hiện nay.

Tuy nhiên, dự thảo không có điều khoản yêu cầu các nước thực hiện đánh giá thường niên về công tác khí hậu theo đề xuất của các nước đang phát triển.

Dù các nhà tổ chức hội nghị miêu tả dự thảo tuyên bố chung đã dành một phần quan trọng chưa từng có để nói về những "thiệt hại và mất mát" nhưng các nước trực tiếp hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu thì cho rằng nội dung thỏa thuận còn quá ít ỏi so với những gì họ kỳ vọng.

Một vấn đề khác vẫn tiếp tục bị bỏ ngỏ tại hội nghị lần này là bộ quy tắc quản lý các thị trường carbon và một khung thời gian chung cho hoạt động báo cáo về các hành động khí hậu của các nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục