Giới doanh nhân Anh đã phần nào nhẹ lòng sau khi nội các của Thủ tướng Anh Theresa May ủng hộ một dự thảo thỏa thuận Brexit.
Tuy nhiên, nỗi lo lắng vẫn hiện hữu vì văn kiện này sẽ phải vượt qua không ít "hàng rào" cả ở châu Âu cũng như tại "Xứ sở sương mù" trong khi thời gian còn lại chỉ là 4 tháng.
Trước đó, sáng sớm 14/11 (giờ Việt Nam), các nhà đàm phán của Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt một dự thảo thỏa thuận về Brexit. Chính phủ Anh đã nhất trí thông qua dự thảo thỏa thuận này.
Đây là tín hiệu đáng mừng đầu tiên trong cuộc đàm phán gian nan vất vả về cuộc "ly hôn" có một không hai trên thế giới. Đồng bảng Anh đã tăng giá, với tỷ giá hối đoái 1,3016 USD/1 bảng Anh sau khi Thủ tướng May thông báo kết quả đáng khích lệ này.
Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI), nhóm vận động hành lang doanh nhân chính, hoan nghênh thỏa thuận là một sự tiến bộ.
[Chính phủ Anh nhất trí thông qua dự thảo thỏa thuận rút khỏi EU]
Trong một tuyên bố, Chủ tịch CBI Carolyn Fairbairn cho biết: "Thỏa thuận sẽ đưa Vương quốc Anh tiến thêm một bước ra khỏi cơn ác mộng của việc không đạt thỏa thuận, cũng như tránh được những thiệt hại mà kịch bản xấu đó có thể gây ra đối với các cộng đồng trên cả nước."
Bà Fairbairn chỉ ra rằng dự thảo thỏa thuận vừa đạt được đã đảm bảo một sự chuyển tiếp cho đến hết năm 2020, và đây là "ưu tiên cao nhất" đối với giới doanh nhân.
Trong khi đó, Hiệp hội Tài chính Anh cũng đánh giá thỏa thuận trên "là một bước đi quan trọng nhằm tránh nguy cơ ra đi một cách rối loạn và thiệt hại."
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành hiệp hội Stephen Jones nhận định "còn nhiều khó khăn" ở phía trước, đồng thời cảnh báo ngành tài chính nên "tiếp tục lên kế hoạch nhằm giảm thiểu mọi sự ngắt quãng từ một kịch bản không đạt thỏa thuận cuối cùng."
Thỏa thuận Brexit còn cần được các lãnh đạo EU và Quốc hội Anh, cũng như Nghị viện châu Âu và các nghị viện quốc gia thành viên phê chuẩn trước khi có hiệu lực thi hành.
Nền kinh tế Anh được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức thấp nhất trong nhóm Các Nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20), nhưng vẫn sẽ tương đối cao hơn mức tăng trưởng đạt được kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân Brexit năm 2016.
Quỹ Tiền tệ quốc tế ước tính nếu Brexit diễn ra mà không có thỏa thuận, nước Anh sẽ thiệt hại tới 7,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tương đương 4 năm tăng trưởng kinh tế.
Trong lĩnh vực thực phẩm, tập đoàn Premier Foods, chuyên sản xuất các nhãn hàng nổi tiếng của Anh như bánh Mr Kipling, Oxo và Bisto, cũng vừa thông báo kế hoạch bắt đầu "xây kho chứa nguyên liệu đầu vào để bảo vệ công ty trước nguy cơ bị nghẽn tắc ở các cảng biển" trong trường hợp Brexit không đạt thỏa thuận.
Trong lĩnh vực ôtô, các nhà sản xuất vốn phụ thuộc vào chuỗi dây chuyền cung ứng kịp thời đặc biệt lo ngại. Một số công ty đã thông báo cắt giảm việc làm, chuyển văn phòng và các kế hoạch đề phòng trong trường hợp không đạt thỏa thuận cuối cùng.
Lĩnh vực ôtô của Anh hội nhập sâu sắc bởi 70% ôtô đăng ký tại Anh được sản xuất ở nhiều nước châu Âu khác, trong khi các nhà máy ôtô nước này xuất khẩu hơn 40% sản lượng sang phần còn lại của "Lục địa già."
Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond hy vọng nếu được thông qua, thỏa thuận Brexit sẽ đem lại một "Brexit có lãi" đối với nền kinh tế, vì các công ty sẽ trở lại đầu tư./.