Anh sẽ tăng thuế vào ngày 17/11 tới và cắt giảm chi tiêu công trong ngân sách chính phủ, báo hiệu sự trở lại của chính sách “thắt lưng buộc bụng,” dù hàng triệu người dân nước này đang phải trải qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trong một nền kinh tế đối mặt với suy thoái.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak, người mới nhậm chức ba tuần trước, đã tuyên bố sẽ khắc phục "sự tàn phá kinh tế" do các chính sách của người tiền nhiệm Liz Truss gây ra.
Tuy nhiên, ông Sunak đặc biệt lưu tâm đến các vấn đề gồm chi phí năng lượng tăng chóng mặt, lạm phát cao hàng thập kỷ và lãi suất tăng cao đang siết chặt chi tiêu của các hộ gia đình.
[Chính phủ Anh hoãn công bố kế hoạch ngân sách sang tháng 11]
Cũng trong ngày 17/11 tới, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt sẽ trình bày bản dự thảo ngân sách trước Quốc hội, bên cạnh các dự báo kinh tế và lạm phát chính thức, giữa bối cảnh các dữ liệu gần đây đều báo hiệu một triển vọng ảm đạm.
Dự kiến Bộ trưởng Hunt sẽ công bố chương trình củng cố tài chính có tổng trị giá 50-60 tỷ bảng (từ 58,7-70,5 tỷ USD).
Ông Hunt nói với giới truyền thông: “Tôi e rằng tất cả chúng ta sẽ phải đóng thuế nhiều hơn. Chính phủ yêu cầu mỗi người dân hy sinh một chút.”
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng “nỗi đau” hiện tại sẽ không tác động quá mạnh tới những người giàu có.
Một thông tin khác ảm đạm hơn là nền kinh tế Anh suy giảm trong quý 3/2022, khi lạm phát tăng cao. Điều này có khả năng đẩy nước này rơi vào suy thoái.
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự báo nền kinh tế sẽ tiếp tục suy giảm trong quý 4/2022 và tình trạng suy thoái có thể kéo dài đến giữa năm 2024.
Nhà phân tích Ashley Webb của Capital Economics lưu ý: “Việc thắt chặt tài khóa quy mô lớn diễn ra ngay khi suy thoái kinh tế bắt đầu. Rủi ro rõ ràng là việc củng cố tài chính sẽ làm trầm trọng thêm suy thoái kinh tế.”
Ngân sách cắt giảm thuế không được tài trợ của cựu Thủ tướng Liz Truss đã gây ra sự sụp đổ của đồng bảng Anh và chi phí đi vay của nước này tăng mạnh trong nhiệm kỳ 49 ngày của bà bắt đầu vào tháng 9/2022.
Các nhà đầu tư lo lắng về một khoản thâm hụt lên tới 200 tỷ bảng Anh, buộc Ngân hàng trung ương Anh phải can thiệp khẩn cấp.
Sau đó, bà sa thải Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng và thay thế bằng Bộ trưởng Jeremy Hunt, người bắt đầu đảo ngược kế hoạch ngân sách bị chỉ trích và giảm dần việc “đóng băng” hóa đơn nhiên liệu trong nước gây tốn kém. Tuy nhiên, điều đó không đủ để giữ bà Truss ở lại số 10 Phố Downing.
Kể từ đó, thị trường đã lấy lại đà tăng trưởng đều sau khi ông Sunak nắm quyền lãnh đạo và tình trạng hỗn loạn chính trị lắng xuống, nhưng lãi suất thế chấp của các ngân hàng vẫn tăng cao.
Ông Sunak nói với Sky News ở Bali, Indonesia, nơi ông đang tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20: “Những gì chúng ta đang thấy bây giờ là sự ổn định đã trở lại với Vương quốc Anh. Nhưng đó là bởi vì kỳ vọng Chính phủ sẽ đưa ra những quyết định khó khăn cần thiết để đảm bảo rằng nước Anh có thể kiểm soát được lạm phát, giảm chi phí sinh hoạt cho người dân, đồng thời hạn chế sự gia tăng lãi suất thế chấp.”
Bức tranh kinh tế Anh có thể trở nên u tối hơn nữa trong tuần này, với dữ liệu thất nghiệp và lạm phát sẽ được công bố lần lượt vào ngày 15-16/11 (giờ địa phương).
BoE trong tháng này đã thực hiện đợt tăng lãi suất lớn nhất kể từ năm 1989 để đối phó với lạm phát hiện ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua (trên 10%), khi giá năng lượng và thực phẩm tăng cao do ảnh hưởng bởi cuộc xung đột tại Ukraine (U-crai-na).
Công đảng đối lập đã chỉ trích ông Sunak, cho rằng làn sóng “thắt lưng buộc bụng” lần thứ hai không phải là giải pháp cho tình hình hiện tại.
Rachel Reeves, phát ngôn viên tài chính của Labour, cho biết: “Tôi không tin rằng chính sách thắt lưng buộc bụng phiên bản 2.0, sau chính sách thắt lưng buộc bụng mà nước Anh đã trải qua trong 12 năm qua, là cách tiếp cận đúng đắn.”
Ông Reeves, cựu chuyên gia kinh tế của BoE, nói thêm rằng khu vực dịch vụ công đang chịu tổn thương, gọi đó là một “tín hiệu đáng xấu hổ” khi các y tá cảm thấy buộc phải đình công.
Hàng chục nghìn nhân viên trong các ngành công nghiệp khác nhau cũng đã đình công trên khắp nước Anh trong năm nay để yêu cầu được trả lương cao hơn./.