Chiều 8/10, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 19, để thẩm tra dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: Luật nghĩa vụ quân sự và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng được ban hành trong thời gian qua đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển về mọi mặt của đất nước và nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân trong tình hình mới, các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng không còn phù hợp cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.
Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 có nhiều quy định mới liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân; trong đó có quyền, nghĩa vụ của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng cần phải được cụ thể hóa.
Mặt khác, quân nhân chuyên nghiệp là đối tượng phục vụ tại ngũ theo chế độ tự nguyện, không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật nghĩa vụ quân sự. Đồng thời, công nhân, viên chức quốc phòng là thành phần trong tổ chức biên chế của Quân đội nhân dân nhưng chưa có văn bản pháp luật quy định và điều chỉnh, phải vận dụng theo các văn bản pháp luật của Nhà nước có liên quan.
Do vậy, cần phải có văn bản pháp luật quy định riêng cho các đối tượng này. Ngoài ra, việc quân nhân chuyên nghiệp chỉ phục vụ tại ngũ đến 50 tuổi như quy định hiện hành không đủ điều kiện để được hưởng mức lương hưu là 75% theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 sẽ ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng của quân nhân chuyên nghiệp...
Từ thực tiễn trên, việc xây dựng dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng là cần thiết. Dự thảo Luật gồm 7 chương, 50 Điều.
Tán thành về sự cần thiết ban hành Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng: Luật để phù hợp với Hiến pháp về thẩm quyền của Quốc hội quy định hệ thống hàm cấp của quân nhân chuyên nghiệp; kịp thời bổ sung các quy định về quyền và nghĩa vụ của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức, quốc phòng; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với những quy định của các luật khác và khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại,” đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Tại phiên họp, đại biểu đã góp ý vào các nội dung của dự thảo Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng như: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; cấp bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp; hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp; phong, thăng cấp bậc quân hàm quân nhân chuyên nghiệp; chế độ tiền lương, phụ cấp, nhà ở, điều kiện thực hiện nhiệm vụ đối với quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng...
Cụ thể, về cấp bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp, nhiều ý kiến nhất trí cấp bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp từ thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp đến thượng tá quân nhân chuyên nghiệp và cho rằng: Dự thảo Luật kế thừa các quy định hiện hành, tương ứng với Luật Công an nhân dân.
Mặt khác, cấp bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp được xác định tương ứng với trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và mức lương để đáp ứng yêu cầu công tác phục vụ, bảo đảm chỉ huy, quản lý trong Quân đội nhân dân; quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp thể hiện trình độ chuyên môn nghiệp vụ, vinh dự, trách nhiệm của quân nhân, đồng thời là yếu tố để xây dựng hệ thống chính sách phù hợp theo cấp bậc quân hàm.
Đối với vấn đề hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp, đa số ý kiến tán thành hạn tuổi phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp như quy định tại dự thảo Luật là: cấp úy quân nhân chuyên nghiệp nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi; thiếu tá, trung tá quân nhân chuyên nghiệp nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi; thượng tá quân nhân chuyên nghiệp nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi.
Theo các ý kiến, quy định như vậy sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, tránh lãng phí nguồn nhân lực. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nâng độ tuổi của cấp úy lên 53 tuổi để hưởng mức lương hưu 75% theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
Theo chương trình, sáng 9/10, Phiên họp toàn thể Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2015; phương hướng, nhiệm vụ năm 2016./.