Dự thảo Luật Kiểm toán: Cần quy định thời hạn cho từng loại kiểm toán

Ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam nhận định, có thể cần quy định thời gian tối đa cho từng loại kiểm toán cũng như thời gian công bố kết quả.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Không cho rằng việc mở rộng đối tượng kiểm toán có thể khiến Kiểm toán Nhà nước trở thành cơ quan “siêu quyền lực,” nhưng ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cũng nhận định, có thể cần quy định thời gian tối đa cho từng loại kiểm toán cũng như thời gian công bố kết quả.

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi cụ thể hơn với đại diện Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam xung quanh dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước đang được bàn thảo tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 13.

- Đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước theo dự thảo lần này là hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Có ý kiến cho rằng, nếu thông qua dự thảo, Kiểm toán Nhà nước có vẻ sẽ trở thành cơ quan “siêu quyền lực” khi mục đích hoạt động và đối tượng hoạt động khá rộng. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Đặng Văn Thanh: Hiến pháp năm 2013 vừa rồi ban hành đã sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và có 1 điều riêng quy định về chức năng vị trí của Kiểm toán Nhà nước. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước do Quốc hội thành lập và được hoạt động độc lập chỉ tuân thủ luật pháp. Ngoài ra, chức năng của Kiểm toán Nhà nước là kiểm toán toàn bộ tài chính, tài sản công. Đây là 2 điều quan trọng xác định địa vị pháp lý, trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan này.

Thực tế, dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước đã có đổi mới căn bản trong đó trước hết quy định rõ hơn và rộng hơn đối tượng kiểm toán. Tất nhiên xung quanh vấn đề này cũng còn có ý kiến nhưng theo tôi, đã là Kiểm toán Nhà nước thì phải kiểm tra, kiểm soát tất cả những gì thuộc về tài sản tiền của ngân quỹ, của nhân dân, đất nước và tất cả đối tượng nào đang tham gia quản lý, đang sử dụng phân bổ ngân sách.

Có ý kiến cho rằng người nộp thuế, thu thuế như vậy cũng trong đối tượng bị kiểm toán và như vậy có rộng không? Tôi thì cho rằng không rộng vì thu ngân sách của ta 90-95% từ thuế mà nghĩa vụ nộp thuế mang tính pháp lý của mọi người dân, mọi tổ chức, đơn vị. Vì thế tôi cho rằng việc đầu tiên của Kiểm toán Nhà nước là làm sao kiểm tra được tất cả hoạt động thu của Nhà nước.

Vấn đề đặt ra là nếu đối tượng quá rộng thì cách làm của Kiểm toán Nhà nước, có thể chọn mẫu, kiểm tra điển hình,…

Ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Dự thảo cũng có nêu: “Quyết định giải quyết kiến nghị của Tổng Kiểm toán Nhà nước là quyết định cuối cùng.” Điều này khiến một số ý kiến lo ngại có thể lấy đi quyền khởi kiện của cá nhân, đơn vị được kiểm toán. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao, thưa ông?

Ông Đặng Văn Thanh: Tôi cũng biết, một số ý kiến đưa ra cho rằng, nên chăng nếu có tranh chấp thì đưa ra tòa. Tuy nhiên, tôi thì cho rằng không nên vì tòa án cũng là đơn vị độc lập. Kiểm toán Nhà nước cũng là đơn vị độc lập. Đơn vị độc lập này lại thông qua việc xử kiện đơn vị độc lập khác thì theo tôi không nên. Quyền khởi kiện là của người dân nhưng kết luận thì nên để cơ quan kiểm toán là cuối cùng.

Tất nhiên, dự thảo lần này cũng quy định việc có thể lập hội đồng kiểm toán quốc gia. Hội đồng này không chỉ bao gồm Kiểm toán Nhà nước mà còn cả những chuyên gia độc lập, tổ chức trong quản lý Nhà nước. Nếu vấn đề nào Kiểm toán Nhà nước chưa quyết định được hoặc còn có những ý kiến khác nhau thì hội đồng này vừa mang tính tư vấn vừa là quyết định sau cùng.

Thực tế, Kiểm toán Nhà nước do Quốc hội thành lập nên phải chịu sự kiểm soát giám sát của Quốc hội. Mọi hành vi của Kiểm toán Nhà nước phải chịu sự giám sát của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan chuyên trách và toàn thể Quốc hội.

- Theo ông, có nên quy định thời gian tối đa cho một cuộc kiểm toán để tăng tính minh bạch và trách nhiệm của cơ quan kiểm toán?

Ông Đặng Văn Thanh: Tôi cho rằng bổ sung quy định này vào cũng được nhưng cần hiểu là quy mô kiểm toán các vụ khác nhau. Có vụ chỉ liên quan tới một đơn vị thì diễn ra 5-7 ngày là bình thường nhưng có cuộc kiểm toán lớn như ngân sách địa phương, chương trình quốc gia, liên quan tới hàng trăm đầu mục thì cần thời gian dài hơn.

Bởi vậy, theo ý kiến của tôi, nếu bổ sung thì quy định thời hạn với từng quy mô kiểm toán, loại kiểm toán. Chúng ta có thể chia ra, kiểm toán lớn thì thời gian nên là bao nhiêu, với cuộc kiểm toán nhỏ, kiểm toán chuyên đề thì bao nhiêu. Nếu quy định chung thì theo tôi là không khả thi và gây khó cho bản thân cơ quan kiểm toán.

Một điểm quan trọng là nên quy định thời hạn quy định công bố kết quả kiểm toán tính ra bao nhiêu ngày, tính theo ngày làm việc hay bình thường, thời gian bao nhiêu là vừa. Tất nhiên có thể quy định đủ thời gian cho các nhà kiểm toán xử lý số liệu và báo cáo nhưng theo tôi thì không nên để thời gian quá dài./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục