Dự thảo Luật Đất đai: Bảo đảm quyền lợi của người dân khi thu hồi đất

Chiều 15/3, tại TP.HCM, Bộ Tài nguyên-Môi trường tổ chức Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với sự tham gia của các doanh nghiệp, liên hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan.
Dự thảo Luật Đất đai: Bảo đảm quyền lợi của người dân khi thu hồi đất ảnh 1Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân phát biểu. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Chiều 15/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với sự tham gia của các doanh nghiệp, liên hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan đơn vị.

Tại Hội thảo, một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là công tác bồi thường về đất cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Tiến sỹ Nguyễn Vinh Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết dự thảo Luật đã quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường, bảo đảm việc bồi thường phù hợp với nhu cầu của người có đất thu hồi và điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Vinh Huy cho rằng dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn nữa về thứ tự ưu tiên trong các hình thức bồi thường về đất nhằm đảm bảo thực hiện bồi thường thỏa đáng, công bằng, không gây ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện.

Bên cạnh đó, theo Tiến sỹ Nguyễn Vinh Huy, quy định trong dự thảo Luật về việc Nhà nước có thể thu hồi đất để thực hiện “dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở” nếu đáp ứng các tiêu chí về mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế-xã hội mang tính chiến lược là chưa hợp lý.

[Gần 8.000 lượt ý kiến ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)] 

Ông Huy phân tích những dự án nhà ở thương mại chủ yếu mang tính chất phát triển kinh tế đơn thuần, mang lại lợi ích trực tiếp cho nhà đầu tư, do đó, không có cơ sở rõ ràng để xác định có thuộc phạm vi phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hay không để quy định thành trường hợp Nhà nước thu hồi đất.

Với những dự án dạng này, ông Nguyễn Vinh Huy đề xuất dự thảo Luật chỉ nên quy định cho phép chủ đầu tư thương lượng với người dân để mua lại đất hoặc thỏa thuận cho họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng quy định ban hành bảng giá đất hàng năm của dự thảo Luật nên cân nhắc tính khả thi và phù hợp từng địa phương cụ thể. Theo đó, một số địa phương khó khăn, chưa phát triển, giá đất không có nhiều biến động, không nên bắt buộc phải cập nhật bảng giá đất mỗi năm một lần, sẽ mất nhiều thời gian và chi phí của chính quyền địa phương.

Thay vào đó, ông đề nghị ban soạn thảo cân nhắc phương án cho các địa phương có đặc thù khác nhau được lựa chọn ban hành bảng giá đất định kỳ 3 năm hoặc 2 năm một lần, hoặc chỉ điều chỉnh bảng giá đất khi có biến động giá từ 20% trở lên.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề nghị xem xét bổ sung vào dự thảo Luật quy định cho phép thế chấp quyền sử dụng đất cho tổ chức tài chính có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức tài chính nước ngoài để có thể vay vốn hoạt động. Hiện nay, dự thảo Luật chỉ mới cho phép doanh nghiệp Việt Nam được quyền thế chấp bằng quyền sử dụng đất cho các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật. Điều này khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc huy động, thu hút vốn đầu tư từ quốc tế.

Dự thảo Luật Đất đai: Bảo đảm quyền lợi của người dân khi thu hồi đất ảnh 2Ông Darryl Dong, Phó Giám đốc quốc gia Việt Nam, Công ty Tài chính quốc tế (IFC) phát biểu. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Cùng quan điểm, ông Darryl Dong, Phó Giám đốc quốc gia Việt Nam, Công ty Tài chính quốc tế (IFC) cho rằng trong xu thế hội nhập quốc tế, nhu cầu đầu tư của các tổ chức nước ngoài đối với bất động sản Việt Nam không hề thấp. Nếu nắm bắt chính xác, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận được nguồn vốn cao hơn so với thị trường trong nước, góp phần tạo điều kiện cho thị trường kinh tế và bất động sản phát triển.

Do đó, ông Darryl Dong để xuất dự thảo Luật cần có cơ chế cho phép thế chấp quyền sử dụng đất cho tổ chức nước ngoài để giúp Việt Nam tiếp cận nhiều nguồn vốn khác nhau.

Ông Darryl Dong cũng cho rằng nếu lo ngại về vấn đề an ninh, quốc phòng, Việt Nam có thể quy định giới hạn từng khu vực, loại đất được thế chấp; đảm bảo quyền sử dụng đất trong toàn bộ quy trình không được thuộc về tổ chức nước ngoài mà sẽ được xử lý bán lại hoặc chuyển nhượng bởi chính tổ chức tín dụng nhận thế chấp, sau đó mới lấy số tiền thu được đưa lại cho bên cho vay nước ngoài. Mặt khác, có thể quy định cho thế chấp gián tiếp qua các đại lý trung gian.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được chuẩn bị bài bản, khoa học, công phu. Quá trình xây dựng dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo đã quán triệt tinh thần tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về vấn đề đất đai.

Việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật khẳng định vai trò quan trọng của đất đai trong mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân; phát huy trí tuệ của nhân dân; đưa thực tiễn, đòi hỏi của cuộc sống vào luật.

Thứ trưởng Lê Minh Ngân mong muốn ý kiến của các đại biểu sẽ đóng góp trực tiếp vào từng điều, khoản, mục trong dự thảo Luật để giúp cơ quan soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện dự thảo tốt hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục